Cấm cho thuê căn hộ theo giờ, chuyên gia nói gì?
- Bác sĩ
- 16:32 - 16/10/2020
Vấn đề nằm ở câu chuyện quản lý
Liên quan đến câu chuyện Bộ Xây dựng trả lời về các vấn đề liên quan sử dụng căn hộ để cho thuê dịch vụ, theo quy định đây là hành vi bị nghiêm cấm, không sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày. Chuyên gia Sử Ngọc Khương đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Theo ông Khương, việc có căn hộ nếu không ở chủ nhà có quyền cho thuê để đảm bảo tài sản và có nguồn thu. Với điều kiện đóng thuế đầy đủ từ nguồn thu đó, nghĩa là cơ quan chức năng phải xác định được nghĩa vụ tài chính của người có nguồn thu đầy đủ. Dĩ nhiên cũng không tránh được các trường hợp người có nguồn thu không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng quy định.
Giả sử, tôi có một chung cư để ở và một chung cư mua cho con cái trong tương lai, nhưng do con cái chưa ở thì có thể dùng vào việc cho thuê (thuê theo giờ, theo ngày…). Tôi hoàn tất nghĩa vụ thuế đối với nguồn thu này, đó là hợp pháp.
Khi được hỏi, việc cho thuê này dễ sinh ra các vấn đề như tệ nạn ma tuý, mại dâm thì việc cấm là cần thiết không, ông Khương cho rằng, vấn đề nằm ở khâu quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng như thế nào chứ không phải phát sinh quản lý rồi cấm.
Ông Sử Ngọc Khương
Mọi người có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trước pháp luật, có tài sản không ở thì cho người khác thuê, đó quyền định đoạt. Vấn đề là nếu phát sinh các vấn đề tiêu cực thì đó là trách nhiệm của quản lý toà nhà, cơ quan an ninh, trật tự xã hội. Bởi nếu những cá nhân đó đã cố tình làm trái pháp luật thì không làm ở căn hộ này sẽ làm ở căn hộ khác. Ngay cả trong một toà chung cư khi vấn đề về bài bạc, ma tuý, mại dâm… xảy ra ở một vài căn chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của cư dân ở thực nơi đó, thì trách nhiệm này cũng thuộc về nhà quản lý.
"Nếu cấm sẽ không công bằng cho chủ nhà có căn hộ cho thuê bởi có tài sản họ có quyền định đoạt, muốn cho ai thuê là quyền của họ, được pháp luật công nhận, không phải trong diện truy nã, thi hành án. Nhiệm vụ của các cơ quan là tham gia sâu trong việc trật tự an toàn xã hội, kiểm tra của các nhà quản lý là cần thiết", ông Khương cho hay.
Dễ sinh ra tiêu cực, biến tướng
Thực tế, theo ông Khương câu chuyện nằm ở chỗ là do phát sinh vấn đề quản lý nên mới cấm. "Trong trường hơp này, theo tôi không cần tham gia quá sâu vào biện pháp hành chính", ông Khương nhấn mạnh. Nếu có nhà không có nhu cầu ở thì cho thuê là chuyện bình thường, miễn sao thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo pháp luật quy định. Thắt chặt, kiểm soát bằng câu chuyện nghĩa vụ tài chính, nguồn thu này đóng vào ngân sách nhà nước thể hiện vai trò, trách nhiệm của người cho thuê. Còn chúng ta đang băn khoăn đến câu chuyện quản lý rồi đưa vào luật hoá rất dễ sinh ra tiêu cực, biến tướng khác.
"Khi chúng ta cấm sẽ có những biến tướng khác nhau. Và tôi nghĩ khó có đơn vị hành chính để kiểm soát hết được hết vấn đề này", ông Khương nhấn mạnh.
Theo ông Khương, nếu dùng luật và hành chính để cấm sẽ không đúng với thực tế thị trường. Chưa kể phát sinh ra các biến tướng khác khó kiểm soát được. Luật và các công cụ đều phải dựa trên tình hình thực tế thị trường, trừ khi những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng thì nên cấm. Còn các vấn đề liên quan đến an cư lạc nghiệp, chỗ ở thì nên kiểm soát tốt thay vì cấm.
Khi được hỏi, việc cấm này ảnh hưởng thế nào đến hình thức kinh doanh công nghệ như Airbnb hay Luxstay, ông Khương cho hay, đối với các hoạt động cho thuê có nghệ thì cần có chế tài (thuế và hoàn thành nghĩa vụ liên quan). Như thế chúng ta tận dụng được nguồn thu tốt từ hoạt động kinh doanh này thông qua thuế. Ở cơ chế kinh tế thị trường nếu dùng biện pháp hành chính để cấm thì chúng ta sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề, chưa kể đem lại hệ luỵ, biến tướng khác trong khi ngân sách nhà nước bị thất thu.
Liệu có tác động đến tâm lý của người có tài sản cho thuê?, theo ông Khương, thực tế không có, mà họ sẽ biến tướng ra cách khác. Khi đó về mặt kiểm soát sẽ không kiểm soát được. Những người có tài sản cho thuê nếu bị cấm họ sẽ chấp nhận để trống tài sản trong vòng 6 tháng 1 năm rồi bán lại vẫn có lợi nhuận. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ là nếu không có giải pháp thì xét về góc độ kinh tế, sẽ lãng phí đi nguồn thu, lãng phí tài nguyên xã hội, cản trở nguồn thu cho ngân sách nhà nước.