THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:39

Cải tạo môi trường sống đảm bảo an toàn cho trẻ

Ngôi nhà tưởng chừng là nơi an toàn nhất đối với mỗi người đặc biệt là với trẻ nhỏ bởi luôn nhận được sự quan tâm của người lớn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, hơn 50% số vụ tai nạn thương tích của trẻ xảy ra ngay trong chính gia đình. Vì thế, các gia đình cần cải tạo lại ngôi nhà theo hướng an toàn cho trẻ. Theo đó, các gia đình cần rà soát lại các yếu tố có nguy cơ gây tổn thương cho trẻ như ngã từ cửa sổ, cầu thang, gạch trơn trong phòng tắm và ngoài sân… Trẻ hay nghịch ngợm, khi chơi đùa cũng có thể gặp nguy hiểm từ các thiết bị điện như dây dẫn điện, ổ cắm điện trong nhà hay từ nhà bếp như bếp gas, phích nước nóng. Bên cạnh đó, những ngôi nhà ở nông thôn, thậm chí một số khu vực ngoại thành thành phố thường có ao hồ quanh nhà cũng là tiềm ẩn nguy cơ.

Cải tạo môi trường sống đảm bảo an toàn cho trẻ - Ảnh 1.

Hình ảnh em bé leo lên lan can tầng 13 để ra ngoài.

Việc tránh nguy hiểm cho trẻ nhỏ không chỉ cần sự trông nom hằng ngày của người thân, do đó pháp luật đã đưa ra tiêu chuẩn nhà an toàn cho trẻ em giúp các phụ huynh muốn xây mới hay cải tạo ngôi nhà. Ngôi nhà an toàn cho trẻ em phải có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Nền nhà và sân không trơn trượt và có bậc thềm cho trẻ lên, xuống. Xung quanh ao, hố và những nơi chứa nước có thể tích lớn phải có hàng rào chắc chắn và có nắp đậy. Những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn.

Đối với phía trong ngôi nhà, cửa sổ, lan can và ban công phải có chấn song đủ khít để trẻ không chui qua được. Đặc biệt đối với nhà cao tầng, chung cư, các gia đình cần để ý khu vực cửa sổ, lan can ban công và cửa sổ ở các hành lang là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Trẻ nhỏ thường hiếu động thích leo trèo, vì thế những lan can ở ban công nếu không có chấn song đủ khít, không có song sắt kín trẻ rất có thể sẽ leo trèo ra ngoài ảnh hưởng đến tính mạng. 

Các gia đình thường phải lắp thêm song sắt hoặc lưới ở lan can và cửa sổ. Cha mẹ cũng nên lưu ý các cánh cửa trong nhà phải có móc áp sát vào tường để trẻ khi chạy nhảy không va quẹt và có dụng cụ chặn khe cửa để trẻ không bị kẹp tay khi đóng, mở. Nền nhà, đặc biệt là nhà tắm nên được sử dụng gạch chống trơn. Ở nhiều gia đình còn cho bé dùng dép chống trượt hoặc kính lắp đặt trong nhà phải chịu được lực tác động, nhằm tránh tình trạng trẻ ngã vào và bị mảnh kính đâm. Khu vực bếp phải được bố trí riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ không tiếp xúc được với bếp lửa, bình gas, dao kéo…

Khu vực cầu thang là nơi trẻ dễ bị té ngã nhất nên phải có tay vịn chắc chắn và bậc cầu thang có chiều cao hợp lý, bề mặt rộng đảm bảo an toàn cho trẻ em. Cha mẹ nên trang bị cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang để trẻ không tự lên xuống cầu thang khi không có người lớn. Thiết bị điện là mối nguy hiểm bậc nhất cho trẻ nhỏ. Các bé có thể đút tay vào ổ cắm điện vì tò mò nên cha mẹ cần lưu ý các dây dẫn điện phải được lắp đặt ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu lắp bên ngoài. Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ và phải có hộp, lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn. Không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm, nếu có phải đặt sau cầu chì và ở vị trí ngoài tầm với của trẻ.

Đối với các loại đèn, cần có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện. Bên cạnh việc trang bị nhà cửa cho trẻ em an toàn, phụ huynh cũng cần để ý trang bị hộp đựng cho phích nước nóng. Để các loại bình, nồi chảo vừa nấu xong, dao kéo, diêm và bật lửa ở nơi ngoài tầm với của trẻ.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh