Cách tính thời gian BHYT khi sử dụng thẻ mua và thẻ cho
- Sức khỏe
- 01:04 - 01/04/2017
* Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Nếu thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT của đối tượng hộ nghèo nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ BHYT hộ gia đình, hoặc gián đoạn không quá 3 tháng thì vẫn được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.
Cán bộ Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM thăm hỏi tình hình đời sống, tham gia BHYT của người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Tân Bình.
* Tôi tạm trú ở quận Phú Nhuận, đã mua thẻ BHYT ở đây từ năm 2011-2013. Năm 2013, phường ở quận Phú Nhuận không bán thẻ BHYT cho tôi mà nói tôi về quê Cà Mau mua. Tôi mua thẻ ở Cà Mau đến năm 2015. Năm 2016, tôi vô diện hộ nghèo và được cấp thẻ ở Cà Mau. Năm 2017, tôi ghé xã hỏi thẻ BHYT năm nay được cấp hay mua nhưng vẫn chưa có câu trả lời là được cấp và cũng không bán thẻ BHYT cho tôi. Tôi phản ứng thì được bán thẻ có giá trị từ ngày 17-1 đến ngày 17-4. Như vậy, tôi bị đứt quãng 17 ngày đầu năm tham gia BHYT và sử dụng mỗi năm một loại thẻ (lúc mua, lúc được cho) thì có được tính là tham gia liên tục không? Tại sao TPHCM không bán thẻ BHYT diện tạm trú cho tôi, để tôi phải đi lại rất xa xôi về Cà Mau mua thẻ? (CAO THỊ HỒ, tạm trú quận Phú Nhuận, TPHCM).
* Thời gian tham gia BHYT gián đoạn không quá 3 tháng thì vẫn được tính cộng dồn cho tất cả các đối tượng tham gia BHYT; việc tính thời gian liên tục không phân biệt thẻ BHYT diện hộ nghèo, người lao động, học sinh sinh viên hay hộ gia đình.
Tham gia BHYT hộ gia đình thì có thể tại nơi thường trú hoặc tạm trú. Nếu tại TPHCM, bà có đăng ký tạm trú thì có thể tham gia BHYT hộ gia đình ở đây. Hiện nay, BHYT đã thông tuyến khám chữa bệnh quận, huyện trên toàn quốc. Do đó, bà yên tâm rằng, có thẻ BHYT được cấp tại Cà Mau thì bà vẫn có thể khám chữa bệnh tại bất kỳ bệnh viện nào thuộc tuyến quận, huyện ở TPHCM và toàn quốc.
* Tôi đã tham gia kháng chiến trước tháng 4-1975. Từ ngày được cấp thẻ BHYT đến nay, tôi đều được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh. Thế nhưng, 2 năm nay, tôi phải chạy máy lọc thận 3 lần/tuần thì bệnh viện buộc tôi đóng viện phí. Trong khi đó, người thân của tôi ở quê chạy thận 4 năm nay theo thẻ BHYT hộ nghèo lại chưa bao giờ phải đóng tiền. Chẳng lẽ thẻ BHYT của tôi thuộc diện người có công lại không có giá trị bằng thẻ BHYT diện hộ nghèo? (TRẦN TRỌNG BÌNH, quận Thủ Đức, TPHCM)
* Tôi tra lại dữ liệu đang quản lý thì thấy ông đang điều trị thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức và bệnh viện đang thu thêm phần chênh lệch chi phí chạy thận nhân tạo của ông do các máy chạy thận nhân tạo của bệnh viện này là máy xã hội hóa (không phải máy do ngân sách nhà nước đầu tư). Do vậy, ông phải trả phần chênh lệch giữa giá nhà nước với giá của máy xã hội hóa. Bảo hiểm xã hội TPHCM thanh toán chi phí chạy thận nhân tạo, gồm: tiền chạy thận, tiền xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (theo Thông tư 37), tiền thuốc (giá hóa đơn không vượt quá giá thầu theo quy định).
Để không phải đóng chênh lệch khi chạy thận nhân tạo, ông liên hệ Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ đức và trước khi điều trị, ông đề nghị được chạy thận nhân tạo bằng các máy do ngân sách nhà nước mua sắm. Hoặc, ông liên hệ bác sĩ Phiến, giám định viên của Bảo hiểm xã hội TPHCM (điện thoại 0984.182.175); bác sĩ Phiến sẽ trực tiếp hỗ trợ ông.