Cách ôn thi khối B của thủ khoa Đại học Y Hà Nội
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 13:39 - 21/03/2016
Với số điểm 29,75 gồm Toán 10; Hoá 10; Sinh 9,75, Nguyễn Hoàng Hải (19 tuổi, THPT Xuân Trường, Nam Định) trở thành một trong hai thủ khoa năm 2015 của Đại học Y Hà Nội. Em hoàn toàn không học thêm bên ngoài mà chỉ cố gắng ghi nhớ kiến thức thầy cô giảng dạy ở trường rồi về nhà tự ôn luyện.
Thủ khoa Đại học Y Hà Nội năm 2015 Nguyễn Hoàng Hải. Ảnh: NVCC.
"Nguồn học tập hiệu quả nhất đối với em là từ thầy cô, từ chính những người bạn. Khi thầy cô giao bài tập hoặc một ai tìm được đề hay ở trên mạng, chúng em lại tìm cách giải rồi trao đổi với nhau. Qua đó, em học được nhiều cách giải hay của bạn và tìm được các lỗ hổng kiến thức từ lỗi sai của mình", Hải tâm sự. Nam sinh cho biết, việc học cùng bạn dễ hơn với thầy cô vì đồng tuổi, hiểu nhau. Việc bạn nghĩ sớm ra cách giải giúp em có động lực tăng tộc độ, quyết tâm làm bài.
Quá trình ôn tập, tính từ 4 tháng trước khi thi THPT quốc gia, Hải chuẩn bị thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Các đề em làm khá tương đồng về mức độ khó với đề thi đại học. Do đó, sau khi thi học sinh giỏi, Hải chỉ quay lại ôn những câu gỡ điểm, tập trình bày ngắn gọn, đầy đủ ý trong bài. "Thi thoảng em làm thêm một số bài tập khó để thay đổi không khí", nam sinh chia sẻ.
Sau khi luyện bài dễ, em chuyển sang làm câu có mức độ phân loại cao. Do giải cả một đề Toán rất mất thời gian nên Hải chỉ nghĩ hướng làm. Gặp bài có chỗ khó trình bày, em mới giải kỹ lưỡng ra giấy. Mỗi tuần, em chỉ trình bày chi tiết một đề rồi nhờ thầy cô hoặc bạn bè chấm điểm.
Các môn trắc nghiệm Hóa, Sinh vì chưa học hết chương trình nên thời gian ôn thi Hải cố gắng nắm kỹ những phần thầy cô giảng trên lớp. Sau khi học hết lý thuyết, kết hợp với việc ôn lại trên lớp, em bắt đầu làm một số đề ở mức độ trung bình, dễ để nắm vững lý thuyết. Các kiến thức cơ bản nếu thấy hổng phần nào, em sẽ bổ sung phần đó rồi tăng dần mức độ khó.
Khoảng 2 tháng trước khi thi, em luyện các đề ở mức độ khó hơn, chủ yếu là đề đại học những năm gần đây. Em cũng tập tăng tốc độ làm bài ở những câu dễ, trung bình để tiết kiệm thời gian. "Đề đại học những năm trước khó, làm rất căng thẳng nên mỗi tối em chỉ giải một đề rồi đối chiếu đáp án để rút ra kinh nghiệm. Em không chú tâm vào một môn nào trong số môn thi mà luân phiên học từng ngày. Giai đoạn này, theo em, càng làm nhiều đề để quen với các dạng bài càng tốt", thủ khoa Đại học Y Hà Nội nói.
Thời gian một tháng trước kỳ vượt vũ môn, Nguyễn Hoàng Hải quay lại làm những bài tập dễ, các đề lý thuyết thầy cô phát trên lớp. Đến khi còn khoảng 2 tuần, em hầu như không học gì để trạng thái tinh thần được tốt nhất. "Đây là kỳ thi có quy mô lớn nhất em từng tham gia nên không tránh khỏi hồi hộp. Ngày thi, em cố gắng tới sớm để trò chuyện với các bạn cùng trường cho quên đi nỗi căng thẳng và tiếp thêm sự tự tin", nam sinh kể lại.
Hải cho biết, khi cầm đề Toán, việc đầu tiên em làm là đọc kỹ một lượt và tập trung giải cẩn thận từng câu xong soát lại luôn. Hải mất 60 phút đầu để làm và soát 7 câu thuộc loại trung bình, dễ. Thời gian còn lại, em yên tâm xử lý nốt 3 câu khó để lấy điểm 8-10. "Không có phương pháp nhất định nào để làm được 3 câu phân loại ấy nên sau khi đọc qua đề, thấy dạng nào quen quen, dễ triển khai thì em làm trước. Nghĩ 5-10 phút không ra, em sẽ đổi câu khác. Quá trình làm bài, em cố gắng trình bày chặt chẽ để tránh mất điểm", nam sinh chia sẻ.
Các môn thi trắc nghiệm Hoá, Sinh, Hải làm bài theo phương pháp làm được câu nào sẽ khoanh luôn vào đề câu ấy. 30 câu đầu là mức độ dễ và trung bình, em cố gắng làm, soát bài trong 15 phút. Gặp câu khó, nghĩ 5 phút chưa ra, Hải sẽ đánh dấu tạm bỏ qua để làm câu khác rồi lúc sau quay lại.
"Những phương pháp trên đã giúp em rất hiệu quả trong kỳ thi THPT quốc gia. Chỉ gần 4 tháng nữa là bước vào kỳ thi, em mong các sĩ tử cố gắng hết sức để có ôn thi cẩn thận, đầy đủ, chất lượng. Bên cạnh đó, các bạn nên kết hợp vui chơi để bước vào phòng thi với sức khỏe, tâm lý tốt nhất và đạt kết quả xứng đáng với công lao 12 năm đèn sách", thủ khoa Đại học Y Hà Nội nhắn nhủ.