THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:23

Cách xử lý khi bị nhà mạng “móc ví”

 

Chủ thuê bao điện thoại bị móc túi trắng trợn

Gia đình anh Nguyễn Tuấn Dũng (TP Vinh, Nghệ An) sử dụng 2 số điện thoại. Dù anh Dũng chưa bao giờ đăng ký sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng nhưng cách đây vài ngày anh nhận được tin nhắn báo đã đăng ký thành công dịch vụ giá trị gia tăng từ tổng đài. Bỗng dưng bị đăng ký sử dụng dịch vụ khi không có nhu cầu, anh Dũng phải nhắn tin hủy dịch vụ.

Không chỉ với các số thuê bao cũ bị đăng ký sử dụng dịch vụ từ lúc nào không hay mà ngay cả những chủ thuê bao của các sim mới cũng bị kích hoạt sử dụng khi chưa có sự đồng ý của khách hàng. Chị Nguyễn Thị Thúy Vân (Tây Hồ, Hà Nội) mới mua một cái sim mới về sử dụng. Ngay sau khi kích hoạt, chị Vân nạp thẻ có mệnh giá 100.000 đồng vào tài khoản và nhận được khuyến mại 100%. Nạp thẻ được 30 phút thì chị Vân nhận được tin nhắn thông báo một gói dịch vụ giá trị gia tăng đã được gia hạn thành công và bị trừ mất 50.000 đồng tiền cước.

Khi mua sim điện thoại cần kiểm tra đầy đủ thông tin.

 

Chị Vân bức xúc:"Tôi vừa mua sim mới về và chưa hề đăng ký các gói dịch vụ, nhưng nhà mạng tự do đăng ký và kích hoạt các gói dịch vụ gia tăng. Quá bức xúc, tôi có gọi điện lên tổng đài thì nhân viên giải thích sim tôi mua đã được đại lý kích hoạt từ nửa tháng trước, khi tài khoản hết tiền thì gói dịch vụ ngừng cung cấp. Khi tôi nạp thẻ vào thì nhà mạng sẽ tự gia hạn để khách hàng bắt buộc bị trừ tiền”.

Hiện chưa có một con số thống kê đầy đủ nào làm rõ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cũng như nhà mạng đã thu về bao nhiêu từ việc "móc túi" khách hàng do tự động cài đặt các dịch vụ này. Tuy nhiên, gần đây, báo cáo kết quả thanh tra của SAM Media - một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng được công bố, khách hàng mới biết được một phần con số doanh thu khủng của các đơn vị này. Theo đó, từ đầu năm 2013 đến tháng 3/2016, thuê bao của 4 nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đã phải chi trả với với tổng số tiền là 230,5 tỷ đồng. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đến ngày 19/7 vừa qua là gần 94.000 thuê bao. Trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền. Ngay sau đó, cả 3 nhà mạng lớn đều cho biết đã dừng hợp tác với Công ty ACOM, đơn vị cung cấp dịch vụ của SAM Media trên các mạng di động ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế có bao nhiêu công ty cung cấp dịch vụ trên các mạng di động đang tồn tại và bao nhiêu dịch vụ mà khách hàng đang bị cưỡng ép sử dụng cũng như trừ tiền âm thầm mà chủ thuê bao không hề hay biết.

Bộ Công thương ra tay

Liên quan đến việc một số nhà mạng đang “ăn chặn” tiền của người tiêu dùng thông qua việc tự động cài đặt, đăng ký và gia hạn dịch vụ giá trị gia tăng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa đưa ra khuyến cáo chi tiết hướng dẫn người dùng cách đối phó.

Theo thông tin được Cục Quản lý cạnh tranh, một trong những vấn đề người tiêu dùng thường xuyên gặp phải khi sử dụng dịch vụ viễn thông di động là việc các nhà mạng không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng.

Khi mua SIM trả trước hay đăng ký trả sau tại các cửa hàng đại lý SIM cũng không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các dịch vụ giá trị gia tăng trên SIM. Đó là các vấn đề như SIM đã được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng chưa? Nếu có thì những dịch vụ nào? Đó là các dịch vụ được đăng ký để sử dụng “chính thức” hay là các dịch vụ được “dùng thử”? Hết hạn dùng thử có bị “tự động gia hạn” không? Cú pháp hủy dịch vụ là gì? Có mất phí không?...

Ngay cả khi người tiêu dùng đã thường xuyên kiểm tra và hủy các dịch vụ giá trị gia tăng không sử dụng thì vẫn gặp nhiều nguy cơ khi các nhà mạng tự động gửi tin nhắn và tự động đăng ký, kích hoạt cho người tiêu dùng “dùng thử” các dịch vụ. Trong trường hợp người tiêu dùng không muốn sử dụng cần huỷ ngay theo cú pháp vì “dùng thử” thì một số dịch vụ sẽ được tự động gia hạn mà không cần sự cho phép của người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc đăng ký sử dụng một dịch vụ giá trị gia tăng nhất định thông thường sẽ kèm theo một số dịch vụ giá trị gia tăng khác mà người tiêu dùng không biết.

Khi thấy những dấu hiệu bất thường và nghi ngờ việc điện thoại di động của mình đã và đang bị tự động kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng, người tiêu dùng nên tiến hành các bước như sau: Bước 1 là liên hệ với tổng đài của các bên cung cấp dịch vụ để kiểm tra danh sách các ứng dụng dịch vụ giá trị gia tăng được đăng ký trên số thuê bao. Đối với mạng Viette số tổng đài miễn phí 18008198 hoặc soạn tin nhắn với cú pháp TC gửi 1228 (để tra cứu các dịch vụ đang đăng ký sử dụng). Sử dụng mạng di động MobiFone gọi tổng đài 9090 và 18001090 hoặc soạn tin nhắn với cú pháp là KT gửi 994. Đối với mạng VinaPhone gọi tổng đài 9191 hoặc soạn tin nhắn với cú pháp là TK gửi 123.

Để tránh việc các nhà mạng tự động gửi tin nhắn quảng cáo dạng Flash, người tiêu dùng có thể trực tiếp vào Menu SIM trên điện thoại và tắt tất cả các ứng dụng nhận tin nhắn quảng cáo dạng Flash (V-Live, Liveinfo, Viettel Plus) nếu không có nhu cầu sử dụng.

Bước 2 là tiến hành soạn tin nhắn để từ chối các dịch vụ theo hướng dẫn của tổng đài viên. Bước 3 là thường xuyên, liên tục kiểm tra để tự bảo vệ mình.

Trong trường hợp có khiếu nại hoặc có thắc mắc cần tư vấn hãy liên hệ Tổng đài tư vấn người tiêu dùng 1800 6838 (miễn phí) của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh