Cách cứu người bị chấn thương sọ não
- Sức khỏe
- 18:01 - 04/03/2016
Tổ chức não mềm “bồng bềnh” trong một chất dịch trong được gọi là dịch não tủy (lớp chống sốc) và được bảo vệ bởi hộp sọ nhưng giá trị bảo vệ rất hạn chế. Đó là lý do tại sao tất cả các chấn thương vùng đầu đều bị coi là nghiêm trọng và cần được đánh giá bởi bác sĩ hoặc khoa cấp cứu bệnh viện gần nhất.
Hai loại chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não có thể chia thành:
- chấn thương sọ não hở - với vết thương chảy máu ở mặt hoặc đầu
- chấn thương sọ não kín - không có dấu hiệu tổn thương trên mặt hoặc đầu.
Động năng của lực tác động yếu ở đầu hay mặt có thể được hấp thụ bởi dịch não tủy, nhưng tác động mạnh có thể khiến não va đập vào thành trong của hộp sọ, gây “bầm tím” hoặc bị rách các mạch máu. Nếu não bị dập nát, máu và huyết thanh bắt đầu chảy ra sẽ kéo theo sự phụ nề và khi áp lực nội sọ tăng sẽ có thể gây tổn thương vĩnh viễn.
Các triệu chứng của chấn thương sọ não
Chảy máu không phải là dấu hiệu đáng tin cậy về mức độ nặng của chấn thương sọ đầu. Ngoài vết thương, những triệu chứng khác của chấn thương sọ não nghiêm trọng có thể bao gồm:
-Tri giác thay đổi như mất ý thức tạm thời, lú lẫn hoặc lơ mơ.
- Nạn nhân có thể có cơn co giật ngắn. Tình trạng của nạn nhân có thể cải thiện được một lát và sau đó xấu đi.
-Biến dạng hộp sọ - đè ép hoặc biến dạng là dấu hiệu của vỡ xương sọ.
-Chảy dịch trong từ tai hoặc mũi - vỡ xương sọ, đặc biệt là vỡ nền sọ, có thể khiến dịch não tủy chảy ra từ tai hoặc mũi.
-Bầm tím mắt và da phía sau tai - các mạch máu xung quanh mắt và tai bị vỡ.
-Thay đổi thị lực - đồng từ hai mắt có thể giãn và có kích thước khác nhau ở người bị chấn thương sọ não nặng. Người bệnh có thể bị song thị hoặc nhìn mờ.
-Buồn nôn và nôn - đây là những tác dụng phụ thường gặp của chấn thương sọ não nghiêm trọng và phải luôn chú trọng nếu thấy nó diễn ra dai dẳng.
Sơ cứu cho người bị chấn thương sọ não
Trong trường hợp có chấn thương nghiêm trọng ở đầu, luôn cần gọi xe cấp cứu.
Sơ cứu khi nạn nhân tỉnh
Khuyến khích người bị thương giảm thiểu mọi cử động ở đầu hoặc cổ.
Vết thương trên đầu có thể chảy máu nhiều, trong trường hợp đó cần cầm máu vết thương bằng cách ấn trực tiếp và băng. Trong khi kiểm tra vết thương, tránh nhầm với cục máu đông hình thành trong tóc. Trấn an nạn nhân và cố gắng giữ cho họ bình tĩnh.
Sơ cứu khi nạn nhân bất tỉnh
Không nên di chuyển nạn nhân trừ khi họ đang ở trong tình trạng nguy cấp. Mọi sự di chuyển không cần thiết đều có thể gây ra các biến chứng lớn hơn cho chính vết thương sọ não, cột sống hay những vết thương liên quan khác. Một nguyên tắc là nếu đầu bị thương thì cổ cũng có thể bị tình trạng tương tự.
Vai trò của bạn là bảo vệ nạn nhân khỏi mọi nguy hiểm tiềm ẩn tại hiện trường. Bạn cũng nên theo dõi đường thở và hô hấp của nạn nhân cho đến khi xe cứu thương tới. Nếu người bị thương thở yếu đi do có vấn đề với đường hô hấp, có thể cần rất thận trọng để ngửa đầu họ ra sau (và nâng đỡ) cho đến khi nhịp thở trở lại bình thường. Nếu nạn nhân ngừng thở hoặc không bắt được mạch, có thể cần hồi sức tim phổi (CPR).
Trẻ ở tuổi tập đi và chấn thương sọ não
Trẻ ở tuổi tập đi rất hay bị ngã. Các bậc cha mẹ cần lưu ý:
Trẻ bị ngã ở tư thế đang đi hay chạy trên mặt đất thường không gây chấn thương đầu nghiêm trọng.
Kích thước của vết sưng trên đầu không liên quan với mức độ nặng của chấn thương.
Những chấn thương nhẹ ở đầu, như một vết sưng trên đầu, có thể điều trị bằng cách dỗ dành trẻ và một liều si rô giảm đau thích hợp.
Cần sự chăm sóc y tế ngay nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của chấn thương đầu nghiêm trọng, đặc biệt nếu thấy trẻ lơ mơ hoặc nôn bất thường, nếu bạn nghĩ trẻ bị ngã nghiêm trọng hoặc trẻ có vẻ bất tỉnh hoặc không khóc ngay sau khi ngã.
Ngã thường nghiêm trọng khi ngã xuống vài bậc cầu thang, rơi từ bàn thay tã xuống sàn cứng, ngã từ giường xuống một bề mặt cứng hoặc đầu bị va đập vào cạnh giường. Nếu cảm thấy nghi ngờ, hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay.
Những điều cần nhớ
- Giữ nguyên nạn nhân. Cho đến khi nhân viên y tế tới, hãy giữ người bị thương nằm yên, với đầu và vai hơi cao. Đừng di chuyển nạn nhân nếu không thực sự cần thiết, và tránh di chuyển cổ của nạn nhân. Nếu người bị thương đang đội mũ bảo hiểm, đừng bỏ ra.
- Cầm máu. Ép lên vết thương bằng gạc vô trùng hoặc khăn sạch. Nhưng đừng ấn trực tiếp vào vết thương nếu nghi ngờ có vỡ xương sọ.
- Theo dõi những thay đổi về hô hấp và tri giác của nạn nhân. Nếu người đó không có dấu hiệu tuần hoàn - không thở , ho hoặc cử động - bắt đầu hồi sức cấp cứu tim phổi (CPR).