Cách ăn trứng muối an toàn và 5 nhóm người không nên ăn món này
- Bác sĩ
- 05:16 - 23/07/2020
Món trứng muối, trứng muối kết hợp với rau trộn rất được mọi người yêu thích vì nó ngon miệng và dễ làm tại nhà. Tuy nhiên, mới đây, một sự việc đáng tiếc xảy ra cũng bắt nguồn từ món ăn vạn người mê này, đó là một gia đình 4 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.
Vào ngày 11/7, gia đình 4 người nhà cô Bồ (Tứ Xuyên, Trung Quốc) nhập viện với tình trạng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt cao và các triệu chứng khác sau khi ăn bữa tối. Chẩn đoán của bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân tỉnh Tứ Xuyên (Bệnh viện phía đông) là cả 4 người đều bị ngộ độc thực phẩm do ăn trứng muối.
Cô Bồ chia sẻ mình đã từng ăn trứng muối sống, trứng muối chín hay trứng muối để qua đêm nhưng đều không sao, chỉ có lần này cả 4 người trong gia đình đều bị ngộ độc. Có người bị nhẹ, có người phải nằm viện với tình trạng nặng hơn. “Chồng tôi đang trong tình trạng nghiêm trọng. Anh ấy bắt đầu thấy buồn nôn vào giữa đêm, bắt đầu bị tiêu chảy vào lúc 4 giờ sáng. Sau đó anh ấy bắt đầu sốt lên tới 40 độ C”, cô Bồ kể.
Cô Bồ đăng tải hình ảnh chồng mình nằm viện lên MXH với dòng chú thích: “Khuyến cáo một chút, đừng ăn trứng muối, đừng ăn trứng muối, đừng ăn trứng muối. Chúng tôi đã phải nằm viện 2 ngày rồi”.
Ngộ độc khi ăn trứng muối là trường hợp không hiếm gặp. Đầu tháng 6/2020, cũng ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), bà Hùng bị ngộ độc do ăn mấy quả trứng muối. Tình trạng bà ngày càng tồi tệ hơn và bị sốc nhiễm trùng, sau đó không cứu chữa được và đã tử vong.
Hay một trường hợp tương tự tại Trùng Khánh (Trung Quốc), một người phụ nữ đã mua hai quả trứng muối ở chợ về cho mọi người ăn cũng khiến gia đình ba người bị ngộ độc thực phẩm. Ba người cũng được bác sĩ Thái Quốc Cường, Chủ nhiệm khoa cấp cứu Bệnh viện Trung Y huyện Điếm Giang (Trùng Khánh, Trung Quốc) xác định là nhiễm vi khuẩn salmonella sau khi ăn trứng muối.
Tại sao một món ăn đơn giản nấu tại nhà lại khiến nhiều người bị ngộ độc sau khi ăn?
Ngộ độc do trứng muối là nhiễm vi khuẩn salmonella. Bác sĩ Lý Hòa Lị (Phó Chủ nhiệm khoa cấp cứu, Bệnh viện nhân dân số 2 Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc) cho biết đã có rất nhiều trường hợp bị ngộ độc trứng muối, đặc biệt là vào mùa hè.
Bác sĩ cho biết, vi khuẩn gây bệnh salmonella rất độc và trứng muối có thể dễ dàng bị vi khuẩn này “xâm chiếm”. Tốt nhất nên ăn trứng muối trong vòng 1 đến 2 giờ sau khi làm xong.
Vi khuẩn salmonella sống trong ruột người và động vật. Nhiễm khuẩn salmonella đường tiêu hóa thường ảnh hưởng đến ruột non. Ngộ độc do vi khuẩn này nhiều trường hợp xảy ra vào mùa hè vì salmonella phát triển tốt hơn trong thời tiết ấm áp.
Sau khi ăn trứng muối, nếu xuất hiện các tình trạng như nôn mửa, tiêu chảy dữ dội kéo dài kèm theo đau bụng, nghiêm trọng hơn có triệu chứng sốt cao lặp đi lặp lại và đi ra phân đen, thậm chí máu trong phân, hãy cẩn thận bởi salmonella có lẽ đã ở trong cơ thể bạn.
Ăn trứng muối như thế nào mới an toàn?
- Khử trùng ở nhiệt độ cao: Nên chọn các loại đã được khử trùng ở nhiệt độ cao vì vi khuẩn salmonella sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C và không gây hại cho sức khỏe.
- Rửa tay trước khi bóc vỏ trứng: Hãy rửa tay sạch sẽ để phòng trường hợp vi khuẩn salmonella có ở trên tay. Chúng có thể truyền sang trứng, bạn ăn vào sẽ bị nhiễm độc.
- Ngửi thử trước khi ăn: Nếu trứng có mùi lạ, cần vứt đi ngay lập tức.
- Chần một lượt với nước nóng: Chần với nước sôi có tác dụng khử trùng rất tốt, có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
- Thêm gia vị khi chế biến: Khi chế biến các món với trứng muối, bạn có thể thêm giấm hoặc tỏi, nó có tác dụng nhất định trong việc diệt khuẩn.
5 nhóm người không nên ăn trứng muối
- Người bị tăng huyết áp và phụ nữ có thai dễ bị tăng huyết áp: Hàm lượng natri trong trứng muối nhiều hơn gấp 5 lần do với trứng vịt tươi. Lượng natri quá cao có thể dẫn đến tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Người tiêu hóa kém: Trứng muối được thêm các chất như vôi muối, chì oxy hóa… để ngâm trứng. Điều này khiến trứng rất dễ nhiễm bẩn, suy giảm chất lượng, thậm chí vi khuẩn cũng sẽ tồn tại trong trứng. Ăn vào sẽ gây tiêu chảy, đau bụng, làm tăng gánh nặng đường tiêu hóa.
- Bệnh nhân mắc bệnh về gan, thận: Người mắc bệnh về gan, thận khả năng giải độc và chuyển hóa của họ sẽ tương đối kém. Trứng muối có hàm lượng chì cao sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, thận, thậm chí tích tụ trong cơ thể dẫn đến ngộ độc chì.
- Trẻ em: Trong trứng muối có chì. Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển và khả năng trao đổi chất của chúng không tốt bằng người lớn nên rất nhạy cảm với chì. Nếu chì tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ gây triệu chứng ngộ độc chì, ảnh hưởng đến tiêu hóa, thần kinh và hệ máu.
- Người lớn tuổi: Chất chì trong trứng muối có thể cản trở sự hấp thu canxi của cơ thể. Do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, còn khiến mắc chứng mất trí nhớ, rụng răng và rụng tóc.
Nguồn: QQ, Sohu, Healthline