THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:57

Các vụ ‘tử thần’’ từ công trình trên cao rơi xuống, ai chịu trách nhiệm?

 

Không làm trong công trường cũng chết!
Mới đây vào tối ngày 27/9, tại công trường xây dựng của tòa nhà trên đường Lê Văn Lương (đoạn gần cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội), một thanh sắt lớn, dài khoảng 3m trên công trình xây dựng bất ngờ rơi xuống đường, trúng 3 xe máy đang lưu thông qua đây khiến chị  Dương Thị Hằng (30 tuổi, quê Bắc Ninh) tử vong tại chỗ, và ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1956, ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị thương, 3 xe máy hư hỏng nặng. 
Hiện trường vụ việc
Được biết đây là Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tòa nhà có các đơn vị chủ đầu tư, thi công, thiết kế, giám sát gồm: Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai, công ty Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC), công ty CP Đầu tư và xây dựng POLYTEC Việt Nam và công ty Đầu tư và phát triển Tây Hồ.
Sự cố trên một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng nhà cao tầng tại Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như tại các Thành phố trên cả nước nói chung. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các sự cố trong thời gian qua do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không có bao che các lan can công trình, lắp đặt biển báo biển cấm, lưới chống vật rơi ở những nơi nguy hiểm nhiều người qua lại…

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu xảy ra tai nạn lao động do sắt từ công trình xây dựng rơi xuống đường khiến người đi đường chết oan uổng, mà rất rất nhiều vụ việc tương tự từng xảy ra. 
Được biết cùng thời điểm này cách đây 1 năm trước, ngày 19/10/2017, cũng trên đường Lê Văn Lương, đã xảy ra sự cố sắt từ tầng 27 công trình xây dựng dự án The Golden Palm rơi trúng mái nhà ông Phạm Quang Trung, tổ dân phố 24, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân làm thủng mái, thanh sắt dài hơn 2m đâm thẳng xuống nền, chủ nhà may mắn thoát chết trong gang tấc.

 

Sự cố rơi thép từ công trình xây dựng làm thủng mái nhà dân cách đây 1 năm cũng trên đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.

 

Gần đây nhất, ngày 20/8, tại dự án Tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ và nhà trẻ căn hộ (The Sun), phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, cũng đã xảy ra sự việc đứt cáp cẩu.

 

Sự cố rơi vật liệu do đứt cáp tải cẩu tháp ngày 20/8, tại dự án xây dựng phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, làm thủng mái nhà

 

Nguyên nhân xảy ra vụ việc là do đứt cáp tải của một cẩu tháp bên trong công trình khi đang tải thép lên cao. Số thép này sau đó rơi trúng nhà điều hành công trình và giới thiệu sản phẩm của dự án nằm sát với lề đường làm sập mái nhà điều hành dự án khu vực trước cửa ra vào. Nhiều thanh vật liệu cũng đã rơi ra phía ngoài đường Mễ Trì. Vụ việc đặc biệt may mắn vì không gây thương vong về người.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Nhà thầu phải tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình.
Để tổ chức thi công, nhà thầu sẽ có bộ phận quản lý an toàn lao động để hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường. 
Không những đơn vị trực tiếp thi công, mà các cơ quan chức năng với vai trò quản lý, giám sát cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra hàng loạt vụ vi phạm an toàn lao động nghiêm trọng 
Khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý theo quy định nội bộ của nhà thầu; quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường.
Như vậy, theo quan điểm của Luật sư, sự cố thanh sắt công trình xây dựng là do lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã không thực hiện đúng quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã vi phạm Điều 6 Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ xây dựng. Vụ việc có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm tùy theo mức độ, tính chất.
Như vậy, trước tiên Nhà thầu thi công của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình sẽ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị nạn theo quy định tại các điều 591 Bộ luật dân sự.
Tuy nhiên, việc vi phạm an toàn lao động nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trên địa bàn TP. Hà Nội thời gian qua cũng cần phải truy vấn đến trách nhiệm quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng, khi liên tiếp để xảy hàng loạt vụ việc trên.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh