Các vụ cháy xe khách trên cao tốc, làm gì để thoát thân trong tình huống này?
- Y học 360
- 22:57 - 28/06/2020
Trong hơn nửa tháng vừa qua, cả nước đã xảy ra một số vụ cháy xe khách giường nằm kinh hoàng. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng cảnh tường cả một chiếc xe khách bốc cháy ngùn ngụt vẫn khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi và làm dấy lên lo ngại trong dư luận.
Thông tin trên Người lao động cho biết, trong các vụ cháy xe khách vừa qua, có khoảng 50% trường hợp là do sự cố về điện, 20% sự cố về kỹ thuật, 15% do rơm rạ cuốn vào gầm xe tiếp xúc với ống xả...
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), cũng nhận định có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố trên. Trong đó, đáng ngại và gặp thường xuyên nhất là tình trạng chủ xe tự ý lắp thêm thiết bị điện.
"Các thiết bị điện này không có trong thiết kế của xe, sau khi lắp có thể gây quá tải cho hệ thống điện, dẫn đến chập cháy", nguồn trên dẫn lời ông Phương.
Ông Phương cũng cho biết thêm, một trong nguyên nhân khác dẫn đến cháy xe là do phương tiện không được kiểm định, bảo dưỡng thường xuyên khiến các bộ phận xuống cấp, hoặc quá tải nhiệt khi vận hành.
Thông tin trên Infonet, Trung úy Mai Danh Giang, giảng viên Đại học PCCC, một nguyên nhân nữa có thể dẫn tới hỏa hoạn trên xe giường nằm là do thời tiết nắng nóng, các xe bật điều hòa hết công suất, gây quá tải hệ thống điện.
Đặc biệt trong thời tiết nắng nóng, nền nhiệt ngoài trời luôn ở mức cao càng làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố tương tự.
Để hạn chế những tổn thất về người trong các trường hợp, sự cố cháy xe khách, hành khách cần lưu ý những biện pháp sau để có thể đảm bảo an toàn khi sự cố xảy ra.
Thứ nhất, hành khách giữ tâm trạng bình tĩnh, tìm những vật liệu bằng vải, thấm ướt bằng nước rồi đưa lên bịt mũi và miệng để tránh ngạt khói. Sau đó, theo lối hành lang trên xe để thoát ra ngoài.
Thứ hai, trường hợp cửa chính trên xe không mở được, hành khách có thể sử dụng búa phá cửa được trang bị sẵn trên xe. Dùng búa đập vào các góc của cửa kính để kĩnh vỡ và tạo lối thoát ra ngoài.
Trường hợp không có búa phá cửa, hành khách có thể dùng những vật rắn, có độ cứng cao để phá cửa kính như bình cứu hỏa. Hành khách cũng có thể sử dụng giày cao gót để phá cửa kính xe khách bằng cách dùng phần gót đập vào các góc của cửa kính.
Ngoài ra, trường hợp trên xe có người bị ngạt khí, hành khách có thể thực hiện những biện pháp thứ nhất, đồng thời đưa người ra khỏi xe bằng cách khoác 1 tay người bị nạn lên vai, 1 tay khác giữ đai quần người bị nạn và kéo ra theo lối hành lang trên xe.