Các vấn đề sức khỏe dễ phát sinh trong dịp Tết và cách phòng tránh hiệu quả
- Y học 360
- 13:59 - 25/01/2020
1. Các bệnh về gan
Vào mỗi dịp tết, thói quen sử dụng nhiều rượu bia, bánh kẹo, đồ ngọt, kết hợp chế độ ăn giàu đạm, mỡ khiến lá gan dễ rơi vào tình trạng quá tải, khiến lá gan sưng lên do chứa nhiều nước và mỡ. Vì vậy, viêm gan, gan nhiễm mỡ... là các bệnh thường gặp mỗi dịp Tết, đặc biệt là với nam giới.
Giải pháp: Hạn chế uống bia rượu ngày tết. Theo Cục y tế dự phòng, nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 02 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 01 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Bạn đừng quên uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, giúp gan thận thải độc hiệu quả.
2. Bệnh táo bón
Nguyên nhân chính là do chế độ ăn thiếu chất xơ, thừa đạm, dầu mỡ và không tập luyện thể dục thể thao. Việc sử dụng nhiều đồ uống có cồn, nước ngọt thay vì uống nước lọc... cũng khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ hơn.
Giải pháp: Duy trì thói quen ăn nhiều rau xanh mỗi ngày với lượng chất xơ khuyến cáo mỗi ngày trung bình khoảng 300g, có trong rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc còn nguyên cám, các loại đậu... Ngoài ra, bạn cũng nên uống nhiều nước. Nên uống nước ngay khi thức dậy, uống nước trước khi ăn sẽ kích thích nhu động ruột giúp việc đi tiêu được dễ dàng hơn.
3. Bệnh dị ứng ở mắt
Mỗi dịp tết đến, bệnh dị ứng ở mắt như viêm kết mạc lại trở nên phổ biến hơn. Khi bước sang mùa xuân, không khí trở nên nóng ẩm hơn. Trong khi đó, nhiều vật dụng trang trí trong nhà như cây cảnh, hoa chơi Tết có thể phát tán phấn hoa gây bệnh viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng.
Bên cạnh đó, tục lệ du xuân, thăm hỏi họ hàng, bạn bè ngày tết khiến chúng ta tham gia giao thông nhiều hơn, và vô tình bị khói bụi ô nhiễm, vi khuẩn vi rút ngoài đường liên tục tấn công mắt, mũi.
Giải pháp: Nên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi mắt mỗi ngày. Khi thấy xuất hiện trạng thái khó chịu ở mắt, thì không nên dụi mắt. Nên dùng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng hoặc nước mắt nhân tạo để rửa trôi tác nhân gây dị ứng, sau đó nếu không đỡ hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Khi đi ngoài đường nên trang bị khẩu trang, đeo kính chống bụi, chống nắng cẩn thận.
4. Các bệnh đường hô hấp, cảm lạnh, cảm cúm
Thời tiết thay đổi liên tục, độ ẩm tăng cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bạn dễ bị mắc các căn bệnh như cảm cúm, ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, đau đầu...
Giải pháp: Bạn nên chú ý giữ ấm cơ thể, thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tránh bị lây nhiễm vi khuẩn, vi rút. Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác như khăn mặt, bàn chải đánh răng, chú ý che miệng khi ho và hắt hơi. Khi không may bị nhiễm bệnh, bạn nên ăn cháo gà, trái cây giàu vitamin C.