Các tỉnh phía Nam chia sẻ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 13:00 - 17/09/2017
Hơn 250 đại biểu các tỉnh khu vực phía Nam tham dự Hội nghị
Báo cáo của tỉnh Bến Tre cho thấy, hiện nay tỉnh này có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 17 cơ sở công lập và 07 cơ sở ngoài công lập. Hàng năm các cơ sở GDNN đào tạo gần 10.000 lao động thuộc ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp bao gồm: cao đẳng 800 người, trung cấp 1.800 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 9.400 người, trong đó có khoảng 4.500 lao động nông thôn học nghề. Đến tháng 9 năm 2017, kết quả tuyển sinh và đào tạo là 6.584 người, trong đó: cao đẳng 465 người, trung cấp 637 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 5.482 người đạt 64,5% so với kế hoạch năm (kế hoạch 10.200 người).
Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ, xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị của tỉnh Bến Tre tham gia nhằm tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, giúp lao động nông thôn được nâng cao kiến thức, kỹ năng, tăng năng suất lao động góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình, linh động mở nhiều lớp đào tạo tại các xã vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận tiện để người dân học nghề. Chỉ tiêu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm có tăng thêm về số lượng, chất lượng từng lúc được nâng lên, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nâng lên, đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, nhiều lao động có cơ hội chuyển đổi ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Đại biểu chia sẻ tại Hội nghị
Ông Nguyễn Minh Lập GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết: Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% và đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tập trung nguồn lực đầu tư cho các nghề trọng điểm. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Phát triển chương trình, giáo trình. Xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Tập trung tổ chức phân luồng học sinh, tư vấn hướng nghiệp. Tăng cường công tác liên thông, liên kết và hợp tác quốc tế trong đào tạo. Đặc biệt chú trọng liên kết với các trường nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm, kể cả XKLĐ.