THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:44

Các tỉnh Nam Trung bộ triển khai các biện pháp, đảm bảo đối phó với cơn bão số 5

Tại tỉnh Bình Định: Sáng 30/10/2019, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các sở, ngành trong tỉnh đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với bão lũ trước dự bán bão đổ bộ vào.

Hiện tỉnh Bình Định đang chỉ đạo tập trung sơ tán, di dời các hộ dân ở vùng trũng ven sông, ven biển ở các huyện như: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước và Phù Cát đến vùng cao trú tránh bão, lũ an toàn. Không cho tàu thuyền ra vào. Các trường học trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều 30/10 đến hết ngày 31/10.

Ông Trần Hữu Tường – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phước cho biết, huyện có gần 1500 hộ với 4800 nhân khẩu thuộc diện phải sơ tán khi cần thiết.

Ủy ban nhân dân huyện đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng để hỗ trợ, sơ tán dân kịp thời người dân về nơi cao ráo để bảo đảm tính mạng. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp để đảm bảo để đối phó với cơn bão số 5. "Huyện cũng đã điều động các lực lượng bộ đội, công an cùng với toàn bộ ca nô của các lực lượng trực 24/24 sẵn sàng giúp dân ở những vùng ngập nặng. Ngoài ra, huyện cũng đã chuẩn bị các dụng cụ phương tiện để xử lý các đoạn đê nếu tràn, xói lỡ. Vì Tuy Phước là rốn lũ nên huyện rất tập trung cho công tác này", ông Tường cho biết.

Đối những tàu thuyền còn chưa vào bờ kịp thời để tránh bão, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã yêu cầu khẩn trương vào những nơi an toàn, gần nhất để trú ẩn, hiện tỉnh Bình Định còn khoảng 90 chiếc chưa kịp thời vào bờ.

Các tỉnh Nam trung bộ triển khai các biện pháp, đảm bảo đối phó với cơn bão số 5 - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định đi kiểm tình hình ứng phó bão. Ảnh: Tr.Định

Theo ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, rút kinh nghiệm những năm trước, tỉnh sẽ thực hiện phương châm tại chỗ. Làm sao kịp thời cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân thiếu trong thời gian tới, sau khi bão đổ bộ vào. "Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để kịp thời cung ứng cho người dân khi bão đổ bộ vào", ông Dũng đề nghị. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cũng đã ban hành văn bản về việc cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền.

Tỉnh Phú Yên: Người dân Phú Yên khẩn trưởng chèn chống nhà cửa trong khi chính quyền đang ra sức vận động trú bão

Chiều 30/10, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) nơi được dự báo là một trong những nơi tâm bão số 5 đi qua, trời bắt đầu mưa lớn, gió giật mạnh. Nhiều khu dân cư nước bắt đầu ngập sâu. Tại khu vực ven biển ở phường Phú Đông, chính quyền địa phương phát loa, đi đến từng nhà kêu gọi người dân chèn chống nhà cửa, đồng thời di chuyển đến những nơi an toàn. "Đến chiều nay tại khu phố 3 và 4 thì người già và trẻ em được các hộ đưa đến nhà người thân ở những nơi an toàn. Những người còn lại lo chèn chống nhà cửa, tối nay họ cũng sẽ đi",

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, tổng phương tiện nghề cá của tỉnh là 4.097 tàu cá/24.580 lao động. Hiện có 287 tàu cá/1.784 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó có 287 tàu cá hoạt động xa bờ hiện đang trên đường cơ động tránh trú bão, tổng số lồng bè nuôi trồng thủy sản trên khu vực biển của tỉnh là 114.685 lồng/7.966 lao động. Tất cả các tàu cá, chủ lồng bè đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến của cơn bão số 5 để chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Các tỉnh Nam trung bộ triển khai các biện pháp, đảm bảo đối phó với cơn bão số 5 - Ảnh 2.

Tàu thuyền neo đậu trên sông Cà Ty, TP.Phan Thiết (Ảnh Minh Nghĩa)

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, cho hay địa phương đang huy động quân đội, dân quân tự vệ hỗ trợ hơn 3.500 hộ dân trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu về nơi an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ, hơn 400 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở dọc hai bên bờ sông Ba, sông Kỳ Lộ (Phú Yên) cũng được sơ tán đến các các hộ dân, công trình kiên cố, vùng cao an toàn.

Tỉnh Khánh Hòa: Đến sáng ngày 30/10, những công việc ứng phó với bão số 5 tiếp tục được triển khai quyết liệt tại tỉnh Khánh Hòa - nơi theo dự báo, chiều nay bão sẽ đổ bộ trực tiếp. Với 40.000 ô lồng nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm hùm, vùng biển Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là một trong những vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước. Tính đến sáng nay, hầu hết người dân đã di dời lồng bè vào những vị trí được cho là an toàn, để có thể tránh trú gió bão. Neo buộc lồng bè, tìm cách dồn tôm hùm vào những ô lồng kiên cố, những công việc như vậy được những người nuôi tôm hùm ở đây ráo riết thực hiện suốt hai ngày qua

Có gần 3.000 lao động trên lồng bè ở vùng biển Vạn Ninh. Trong thực tế, những người nuôi thủy sản ở đây cũng đã quá thấm thía mối nguy hiểm khi ở trên lồng bè lúc thiên tai. Vì vậy, ai cũng có ý thức thà thiệt hại tài sản chứ nhất quyết không để thiệt hại về người.

Hiện bão số 5 đang di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng Tây. Do thời điểm bão đổ bộ có triều cường, cộng thêm ảnh hưởng từ khối không khí lạnh nên sẽ rất khó khăn cho công tác phòng chống tại các địa phương.

Tỉnh Ninh Thuận: Người dân tỉnh Ninh Thuận hối hả gia cố nhà cửa, lồng bè đề phòng bão số 5 có thể ập vào, uy hiếp tài sản, tính mạng.

Chiều 30/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận và các địa phương đã khẩn trương bố trí lực lượng đến tận các khu vực ven biển để giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, khẩn trương di chuyển các phương tiện đánh bắt vào nơi an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền tỉnh Ninh Thuận, lực lượng biên phòng, công an phối hợp với chính quyền địa phương ra tận các bè nuôi tại khu vực biển để tuyên truyền vận động, giúp ngư dân gia cố bè nuôi, nhanh chóng di chuyển lao động trên bè vào nơi an toàn.

Tỉnh Bình Thuận: Để chủ động ứng phó hiệu quả, phòng tránh kịp thời, hạn chế thiệt hại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, không được chủ quan, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống khi bão đổ bộ, mưa lũ lớn xảy ra, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các tàu thuyền đang đánh bắt, kinh doanh trên biển (trong đó có tàu vận tải trong và ngoài tỉnh).

Hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển không đi vào khu vực nguy hiểm (vùng nguy hiểm được cập nhật liên tục theo các bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), di chuyển, tránh trú hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, thường xuyên tổng hợp, báo cáo về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định.

Các địa phương ven biển tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, rà soát các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" và phương án sơ tán dân tại các khu vực ven biển đến nơi an toàn, chủ động chỉ đạo công tác chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở; khẩn trương kiểm tra, theo dõi sát các khu vực thường xuyên bị sạt lở ven biển. Neo buộc các lồng, bè nuôi trồng thủy sản hoặc di chuyển đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại và có phương án bảo vệ tài sản cho người dân.

Đối với huyện đảo Phú Quý, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp, với Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý và các sở, ngành liên quan kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc hướng dẫn di chuyển xuống các tỉnh phía Nam, triển khai gia cố các lồng, bè nuôi trồng thủy sản chắc chắn, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ"; kiểm tra việc thi công công trình khu neo đậu tàu thuyền; chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc y tế để có hàng dự phòng.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp Hiệp hội du lịch và các địa phương, khu du lịch ven biển sẵn sàng phương án sơ tán khách du lịch (trong và ngoài nước) tới địa điểm khu vực an toàn gần nhất. Thông báo cho các chủ khu du lịch đang đầu tư xây dựng và đang hoạt động triển khai các biện pháp ứng phó sạt lở bờ biển do sóng mạnh, triều cường dâng cao và an toàn công trình khi bão đổ bộ.

Tổng số tàu thuyền toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 7.204 chiếc với 39.926 lao động. Tính đến 15 giờ 30' ngày 29/10, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là: 2.302 chiếc với 13.013 lao động. Tất cả các tàu thuyền đều thông tin liên lạc với đài bờ, đồn biên phòng khu vực để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ xử lý tình huống, trong đó tàu thuyền đánh bắt xa bờ: 171 chiếc với 1.604 lao động.

Khu vực hoạt động tại vùng biển Trường Sa, Côn Sơn-Thổ Chu, Phú Quý- Côn Sơn. Tàu đánh bắt gần bờ: 2.131 chiếc với 11.409 lao động, khu vực hoạt động ven biển Bình Thuận. Đang neo đậu tại các bến 4.902 chiếc với 26.913 lao động. Tàu thuyền các tỉnh bạn đang neo đậu trong tỉnh là 136 chiếc với 925 lao động.

Tổng số phương tiện thủy nội địa đang neo đậu là 51 phương tiện/266 thuyền viên. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 93 bè/268 lao động, các chủ bè nuôi thủy sản đã được ủy ban nhân dân các huyện, bộ đội biên phòng thông báo biết tin về tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số 5 để gia cố, chằng buộc an toàn.

Các địa phương ven biển tại Bình Thuận tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, rà soát các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" và phương án sơ tán dân tại các khu vực ven biển đến nơi an toàn.

Do ảnh hưởng cơn bão số 5, từ trưa nay (30/10), một số chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Cam Ranh (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên), Phù Cát (Bình Định), Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai) bị chậm hoặc hủy chuyến.

Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết: Cảng hàng không Phù Cát và Tuy Hòa tạm dừng khai thác từ 12h ngày 30/10 đến 1h ngày 31/10/2019. Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tạm dừng khai thác từ 15h ngày 30/10 đến 1h ngày 31/10/2019. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Pleiku tạm dừng khai thác từ 18h ngày 30/10 đến 8h ngày 31/10/2019.


LÊ NHUẬN (Tổng hơp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh