Các giải pháp thay thế khi không đủ dụng cụ bảo hộ cho nhân viên y tế trong mùa đại dịch COVID-19
- Y học 360
- 18:46 - 16/03/2020
Các chứng cứ khoa học cho thấy hiện tượng lây truyền từ người sang người thường xảy ra nhất khi có tiếp xúc gần với người bị nhiễm COVID-19, chủ yếu qua các giọt nước từ đường hô hấp khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Những giọt nước mang mầm bệnh có thể rơi vào miệng, mũi hoặc mắt hoặc được hít vào phổi của những người ở gần người nhiễm bệnh. Việc truyền mầm bệnh từ người sang người với một khoảng cách xa là không thể.
Các giọt nước từ đường hô hấp có chứa vi-rút Covid-19 thường lớn hơn và nặng hơn các mầm bệnh khác (sởi, lao) và rơi xuống mặt đất không quá 6 ft, việc truyền mầm bệnh từ người sang người với một khoảng cách xa là không thể
Các giải pháp và giải pháp thay thế để bảo vệ nhân viên y tế:
Các dụng cụ bảo hộ nhân viên y tế (PPE) phải đảm bảo che phủ toàn thân, không để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với giọt nước mang mầm bệnh khi trực tiếp chăm sóc người bệnh
Kính bảo vệ mắt: cần đeo kính bảo vệ mắt (kính bảo hộ) hoặc tấm chắn dùng một lần che phía trước và hai bên mặt khi vào phòng bệnh nhân hoặc khu vực chăm sóc. Mắt kính cá nhân và kính áp tròng không được xem là dụng cụ bảo vệ mắt. Loại kính bảo hộ tái sử dụng phải được làm sạch và khử trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi sử dụng lại. Loại tấm chắn bảo vệ mắt dùng một lần nên được bỏ sau khi sử dụng.
Găng tay: Mang găng tay sạch, không vô trùng khi vào phòng bệnh nhân hoặc khu vực chăm sóc. Thay găng tay nếu chúng bị rách hoặc nhiễm bẩn nặng. Hủy bỏ găng tay khi rời khỏi phòng bệnh nhân hoặc khu vực chăm sóc, và rửa tay ngay lập tức.
Áo choàng: Mặc áo choàng sạch khi vào phòng bệnh nhân hoặc khu vực chăm sóc. Thay áo choàng nếu nó trở nên bẩn. Hủy và loại bỏ áo choàng trong một thùng chứa chất thải chuyên dụng hoặc vải lanh trước khi rời phòng bệnh nhân hoặc khu vực chăm sóc. Áo choàng loại dùng một lần phải được loại bỏ sau khi sử dụng. Nếu là áo vải nên được giặt sau mỗi lần sử dụng. Nếu có sự thiếu hụt áo choàng, chúng nên được ưu tiên cho: các quy trình chăm sóc và điều trị có nguy cơ tạo ra các giọt bắn dạng khí dung; các hoạt động chăm sóc bệnh nhân do tiếp xúc nhiều tạo cơ hội lây lan mầm bệnh sang tay và quần áo của nhân viên y tế.
Khẩu trang chuyên dụng N95: có mức độ bảo vệ cao hơn khẩu trang ngoại khoa, tuy nhiên trong giai đoạn bùng phát đại dịch, do sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu sử dụng, chỉ dùng N95 khi thực hiện các thủ thuật trên bệnh nhân có nguy cơ tạo ra các giọt bắn dạng hạt khí dung.
Nếu sử dụng khẩu trang có thể tái sử dụng (như khẩu trang PAPRs (powered air purifying respirators)) phải được làm sạch và khử trùng theo hướng dẫn tái xử lý của nhà sản xuất trước khi sử dụng lại.
Các giải pháp và giải pháp thay thể nhằm hạn chế khả năng lây nhiễm của bệnh nhân đối với nhân viên y tế và những người xung quanh:
Bệnh nhân mắc COVID-19: Nên bố trí mỗi người bệnh trong một phòng cách ly riêng, phòng có cửa luôn ở trạng thái đóng, và có phòng tắm riêng. Các xét nghiệm và các thủ thuật điều trị nên thực hiện trong phòng bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân phải đeo khẩu trang trong thời gian nằm điều trị tại các phòng cách ly.
Phòng cách ly bệnh lây nhiễm qua đường thở (AIIR: Airborne Infection Isolation Rooms) hay còn gọi là “phòng cách ly áp lực âm”: là phòng cách ly lý tưởng cho các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, trong đó có dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, thường không đủ phòng áp lực âm cho bệnh nhân mắc bệnh, khi đó nên ưu tiên dành riêng phòng áp lực âm cho những bệnh nhân sẽ phải trải qua các thủ thuật chăm sóc và điều trị có nguy cơ tạo ra giọt bắn nhỏ dạng khí dung.
Phòng cách ly áp lực âm là phòng cách ly lý tưởng cho những người bệnh mắc các các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19. Tuy nhiên, nếu không đủ số phòng áp lực âm do đại dịch bùng phát, biện pháp thay thế đó là cho người bệnh mỗi người ở riêng 1 phòng, cửa luôn đóng kín và có nhà vệ sinh riêng