CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:14

Các địa phương không được chủ quan trước cơn bão số 13

Các địa phương không được chủ quan trước cơn bão số 13 - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến với các địa phương về công tác ứng phó với cơn bão số 13

Sáng 13/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác ứng phó với cơn bão số 13.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10h ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10h ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Đến 10h ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và phía Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4-6m, vùng gần tâm bão 8-10m; biển động dữ dội.

Các địa phương không được chủ quan trước cơn bão số 13 - Ảnh 2.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia báo cáo về diễn biến của cơn bão số 13

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lưu ý: với cơn bão này, các địa phương cần hết sức quan tâm đến sức gió. "Cần hết sức chú ý về sức gió vì theo kinh nghiệm của những cơn bão gió lớn trước đây, nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Cần hết sức cảnh giác với lốc xoáy và gió giật như cơn bão số 5 vừa qua", ông Khiêm nhấn mạnh.

Theo ông Khiêm, vùng lõi tâm bão số 13 (có gió mạnh cấp 9, 10, giật cấp 12) là từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh; trong khi đó, vùng hoàn lưu bão cũng rất rộng, từ Quảng Ngãi đến Thanh Hoá. Từ sáng 14/11, hoàn lưu bão sẽ gây gió mạnh trên đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Thời gian gió mạnh trên đất liền khoảng đêm 14/11, sáng sớm 15/11, gió mạnh có thể đạt cấp 8 – 9, giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão số 13, từ ngày 14 đến 16/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sẽ có mưa lớn với lượng mưa từ 200 – 350mm, có nơi trên 350; khu vực Thanh Hoá, Nghệ An mưa to từ 50 – 100mm. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên báo động 1 đến báo động 2.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, mực nước ở các con sông khu vực miền Trung hiện vẫn đang ở mức cao, trong khi đất đã ngấm đủ nước. Do đó, nguy cơ cao sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp,ven sông, các khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Về tình hình triển khai ứng phó trước bão số 13, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, các địa phương đã kêu gọi, hướng dẫn toàn bộ tàu thuyền đánh cá vào nơi tránh trú an toàn (59.752 phương tiện), tuy nhiên, vẫn có những tàu nhỏ đi-về trong ngày nên các địa phương cần bám sát thông tin các tàu này. Riêng về tàu vận tải, Bộ GTVT đã cấm xuất bến với các tàu, phương tiện thủy nội địa đi vào vùng ảnh hưởng của bão (1.236 tàu).

Cũng theo ông Hoài, khu vực bão dự kiến đổ bộ có hệ thống nuôi trồng thuỷ, hải sản lớn, với tổng diện tích 42.822ha, 150.609 lồng, bè. Tổng số chiều dài đê biển, đê cửa sông từ Thanh Hoá đến Phú Yên là 747km, trong đó có 60 vị trí xung yếu, 27 công trình đê, kè đang thi công; 92km bờ biển, bờ sông bị sạt lở.

Nhà dân ven biển trong khu vực có khản năng chống chịu thấp, nhiều nhà đã bị hư hỏng do bão, lũ vừa qua mới được khắc phục, gia cố tạm thời; bên cạnh đó nhiều khu công nhân là nhà cấp 4, mái tôn. Trong khu vực cũng có nhiều nhà xưởng của các KCN, KCX quy mô lớn có trang thiết bị quan trọng và số lượng công nhân rất lớn. Tại các khu đô thị, du lịch có rất nhiều nhà cao tầng với hệ thống cửa, vách chủ yếu bằng kính; nhiều công trình đang thi công với cẩu tháp lớn,...

Các địa phương không được chủ quan trước cơn bão số 13 - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo công tác ứng phó bão số 13 tại địa phương

Báo cáo về công tác chuẩn bị ứng phó tại địa phương, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã lên kế hoạch di dời, sơ tán 161.000 hộ dân vùng ven biển. Đối với khu vực miền núi, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, tỉnh cũng sẽ tổ chức di dời, sơ tán 10.000 hộ dân/93 điểm. Ngoài ra, các khu vực ở ven sông với khả năng bị ngập úng, Quảng Nam cũng lên kế hoạch sơ tán với mức báo động 3+1m, dự kiến sơ tán khoảng 45.000 dân. Theo ông Thanh, đến 12h trưa 14/11, Quảng Nam sẽ hoàn thành công tác sơ tán dân.

Tại Thừa Thiên Huế, theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương cũng lên phương án di dời, sơ tán 19.000 hộ dân. Sau đó, tại cuộc họp với các địa phương, ông Phương yêu cầu hoàn thành việc di dời, sơ tán dân trước 10h sáng 14/11.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai hoan nghênh các địa phương đã tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 13.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian vừa qua, khu vực miền Trung đã chịu thiệt hại rất lớn do mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất. Dự báo, bão số 13 sẽ có sức tàn phá lớn khi đổ bộ vào đất liền, đồng thời sẽ gây mứa dẫn đến lũ lụt, sạt lở đất, do đó các địa phương phải tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, không được chủ quan để làm sao đó giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và của.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kêu gọi tàu thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn; bảo vệ an toàn cho người dân, thuyền viên, sơ tán khỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lồng bè; cần thiết phải cưỡng chế nếu người dân không chấp hành; Phải sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở; đảm bảo an toàn các công trình nhà dân (giằng, chống mái nhà), công trình công cộng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhà máy,.. Bảo vệ sản xuất, mùa màng, sản phẩm công, nông, ngư nghiệp. Tập trung bảo vệ các công trình hồ thuỷ lợi, thuỷ điện, rà soát toàn bộ các hồ đập, phát hiện các hồ yếu, nhất là hồ thuỷ lợi. Bảo vệ an toàn cho hệ thống điện, thông tin truyền thông, giao thông.

Đề nghị Bộ Quốc phong chủ động tập trung hỗ trợ các địa phương ứng phó, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Các bộ Quốc phòng, Công an, GTVT phối hợp với nhau để có đội tìm kiếm chuyên nghiệp, cùng địa phương thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nhanh nhất, kịp thời nhất; giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Các địa phương chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ".

Về lâu dài, Phó Thủ tướng đề nghị cần quyết liệt thực hiện nhà ở phòng, chống bão lũ, sử dụng phù hợp các khoản hỗ trợ để làm các ngôi nhà thật sự an toàn.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh