CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:59

Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 4

Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 4 - Ảnh 1.

Ngư dân Quảng Trị đưa tàu cá cập Bến cá Cửa Việt đế tránh bão số 4. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 4 (tên quốc tế là bão Podul), sáng 29/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở ban ngành, các công ty khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân.

Các địa phương ven biển phải thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.

Các ngành, địa phương kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển.

Các địa phương tổ chức hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản.

Tỉnh Thanh Hóa tổ chức cấm biển từ 5 giờ ngày 29/8 đến khi bão suy yếu và tan dần.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 7.288 phương tiện nghề cá với 25.554 lao động.

Tính đến sáng 29/8, tất cả các phương tiện nghề cá trong tỉnh đều đảm bảo thông tin liên lạc với bờ và nắm bắt được thông tin, vị trí, hướng di chuyển của bão số 4.

Lực lượng chức năng đang tiếp tục chỉ đạo 4 đài thông tin báo bão thường xuyên thông báo, kêu gọi, hướng dẫn những tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Trong khi đó, theo dự báo, bão số 4 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn tỉnh Nghệ An, gây mưa lớn trong vài ngày tới.

Trong hai ngày 28-29/8, nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn về đẩy mạnh tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương tranh thủ tối đa những ngày thời tiết nắng ráo để chỉ đạo tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa Hè Thu, kiên quyết không để lúa chín bị ngập khi mưa lũ xảy ra.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh lên phương án tập trung tiêu úng trên đồng ruộng, tiêu úng trên các kênh... khi có mưa lớn.

Những ngày này, những cánh đồng lớn ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên rộn rã tiếng máy gặt đập liên hợp cỡ lớn.

Với diện tích lúa Hè Thu khá lớn (4.300ha), những chiếc máy này phải "tăng ca" để đảm bảo tiến độ đề ra. Đến nay, huyện Hưng Nguyên đã hoàn thành thu hoạch trên 50% diện tích lúa Hè Thu.

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, khi bão đến thường gây mưa to, kéo dài nhiều ngày, có khi ngập úng, những ngày này, nông dân xã Nam Giang, huyện Nam Đàn đều tranh thủ gặt hết lúa chín trong điều kiện có thể, nhất là những thửa ruộng sâu, đọng nước, vận chuyển khó khăn. Nam Giang là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão. Hiện 50ha diện tích lúa trên địa bàn mới chín được 60-70% nhưng trong hai ngày qua, nhân dân tập trung gặt để "chạy" bão.

Nông dân các huyện Đô Lương, Thanh Chương… cũng đang tích cực thu hoạch diện tích của chín với phương châm "xanh nhà hơn già đồng."

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã thu hoạch được 42.000 ha lúa Hè Thu, đạt 47%.

Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 4 - Ảnh 2.

Người dân thị xã Cửa Lò dùng bao tải cát gia cố lại các kiốt kinh doanh trước khi bão đổ bộ vào đất liền. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Tại Quảng Trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động lực lượng đến các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão thông tin đến ngư dân về bão số 4; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân đưa tàu về nơi tránh trú an toàn.

Cửa biển Cửa Việt - nơi neo đậu tàu thuyền có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị, mặc dù trời mưa to nhưng ngư dân vẫn tấp nập đưa tàu về neo đậu tại Bến cá Bắc Cửa Việt, Khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt và ven bờ sông Thạch Hãn.

Sau khi đưa tàu cá về, ngư dân nhanh chóng bán hải sản, đồng thời thu dọn ngư lưới cụ mang lên bờ, đưa tàu sát vào bờ và chằng néo cẩn thận.

Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt, cho biết trong sáng 29/8, đơn vị đã kêu gọi được 48 tàu thuyền với gần 400 thuyền viên hoạt động ở vùng biển xa biết hướng đi của bão để tránh trú an toàn. Đơn vị phối hợp với các xã ven biển giúp người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn.

Tỉnh Quảng Trị có khoảng 2.300 tàu thuyền với hơn 7.000 thuyền viên đã nhận được thông tin, hướng di chuyển của bão số 4. Hiện nay, tỉnh vẫn còn 9 tàu với 102 thuyền viên đang hoạt động trên biển chưa thể liên lạc được.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng và gia đình các thuyền viên, tìm cách liên lạc, kêu gọi thuyền viên đưa tàu vào bờ tránh trú bão.

Tỉnh Quảng Trị còn 5.500ha lúa Hè Thu 2019 chưa thu hoạch, tập trung ở các huyện: Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong...

Các địa phương đang động viên nông dân thu hoạch lúa đã chín, đồng thời huy động phương tiện, lực lượng công an và bộ đội giúp người dân thu hoạch lúa; xây dựng phương án thoát nước cho diện tịch lúa, hoa màu và cây công nghiệp ở vùng thấp trũng, có nguy cơ bị ngập úng...

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã có Công điện khẩn, thông báo cho các địa phương, yêu cầu lực lượng chức năng hướng dẫn cho các tàu thuyền vào nơi neo đậu, kiểm đếm chặt chẽ, giữ liên lạc với tàu trên biển tìm nơi tránh bão.

Tại Quảng Ngãi, tính đến 11 giờ ngày 29/8, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là 650 tàu với 6.224 lao động; trong đó, có 69 tàu với 452 lao động đang hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa; 294 tàu với 3.835 lao động ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Vùng biển các tỉnh phía Bắc, phía Nam và Quảng Ngãi là 287 tàu với 1.937 lao động.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành công văn đề nghị các sở, ngành, các địa phương liên quan triển khai các biện pháp phòng tránh; thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên các vùng biển để biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các địa phương tổ chức theo dõi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các địa phương tổ chức các biện pháp ứng phó bão số 4, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Theo TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh