THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:22

Các đại gia công nghệ chung tay tìm kiếm nạn nhân vụ động đất tại Nepal

Trận động đất ở Nepal

Hôm 25/4, "gã khổng lồ" Google đã phát hành dịch vụ mang tên Person Finder có chức năng giúp người sử dụng đăng tải và tìm kiếm thông tin về những người thân và bạn bè bị mất tích trong cơn đại địa chấn ở Nepal. Ứng dụng đặc biệt từng được Google sáng lập vào năm 2010 nhằm giúp đỡ các nạn nhân trong vụ động đất tại Haiti này đã ghi nhận 6.300 cuộc tìm kiếm, tính đến ngày 27/4 vừa qua.

Cùng chung tay với Google, Facebook cũng khởi động chức năng Safety Check giúp người dùng ở những vùng bị ảnh hưởng bởi cơn động đất có thể báo cho bạn bè trên trang Facebook cá nhân rằng họ vẫn an toàn.

“Khi thảm họa xảy ra, mọi người cần biết rằng những người họ yêu thương vẫn đang an toàn” – Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg chia sẻ vào ngày 25/4 trên Facebook cá nhân – “Thời khắc này chứng minh việc kết nối mọi người là vô cùng quan trọng”. Những lời ấm áp của Mark đã được chia sẻ 41.000 lần và nhận được 263.000 lượt like.

Một đại diện của Facebook cho biết, chức năng Safety Check có phạm vi hoạt động trong khoảng 500km tính từ tâm chấn của trận động đất. Chức năng đặc biệt này không chỉ hoạt động tại Nepal mà còn bao trùm cả một phần của Bangladesh, Bhutan và Ấn Độ - những nơi chịu ảnh hưởng của trận động đất kinh hoàng.

Công tác tìm kiếm và cứu hộ tại Nepal đang gặp khá nhiều khó khăn (Ảnh: Reuters)

Các tập đoàn công nghệ lớn đã dày công nghiên cứu và cải tiến các dịch vụ trong vòng nhiều năm trở lại đây nhằm hỗ trợ con người trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, dịch bệnh, các thảm họa thiên nhiên như bão lớn và động đất. Tuy nhiên, tại Nepal, các ông lớn ngành công nghệ cũng đối mặt với một thách thức lớn khi chỉ có 13% trong số 30 triệu dân tại quốc gia Nam Á này được tiếp cận với Internet thường xuyên. Và, sau cơn động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra hôm 25/4 vừa qua – trận động đất mạnh nhất trong vòng 81 năm trở lại đây tại Nepal, cơ sở hạ tầng của Nepal đã bị phá hủy nặng nề, trong đó có cả đường truyền Internet và điện thoại.

Ứng dụng nhắn tin và gọi điện Viber từng được đại gia ngành công nghệ Nhật Bản mua lại vào năm ngoái với giá trị 900 triệu USD cũng được miễn phí tất cả các cuộc gọi trong nước và quốc tế của người sử dụng tại Nepal. Đây được cho là một nghĩa cử cao đẹp đối với Nepal – quốc gia sở hữu 3 triệu người sử dụng Viber.

Theo ông Michael Shmilov – Giám đốc điều hành của Viber, vẫn còn quá sớm để thống kê số lượng người hưởng lợi từ quyết định này, song, Viber đã ghi nhận rất nhiều cuộc gọi được chuyển đi từ Nepal.

Nhiều người dân vẫn đang ngóng tin về người thân của mình (Ảnh: Getty)

Trong một tuyên bố vào hôm 27/4, ông lớn Google cũng khẳng định sẽ giảm giá cước cuộc gọi tới Nepal thông qua dịch vụ Google Voice từ 19 xu/phút xuống 1 xu/phút nhằm tạo điều kiện tốt hơn để người sử dụng có thể liên lạc được với người thân và bạn bè tại khu vực bị nạn. Được biết, Google đã mất đi một nhân viên cấp cao trong thảm họa kinh hoàng này - anh Daniel Fredinburg. Anh Daniel đã tử nạn trong một vụ lở tuyết tại đỉnh Everest - hậu quả của trận động đất 7,8 độ richter ở Nepal.

Bên cạnh các ứng dụng, dịch vụ kể trên, Twitter - một công cụ hữu ích trong việc truyền đi thông tin một cách nhanh chóng trong thảm họa này - cũng sẽ chung tay giúp đỡ nhằm gây quỹ cho các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động ở Nepal. Tài khoản chính thức của Twitter Ấn Độ với 1,28 triệu người theo dõi đã được dùng để chia sẻ số điện thoại của cảnh sát, các cơ quan y tế để thuận tiện hơn cho người sử dụng cần sự trợ giúp.

 

Theo VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh