CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:42

Các bộ, ngành cùng vào cuộc để ngăn chặn và xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết, theo số liệu thống kê từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 2 năm 2017-2018 và 3 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 3.449 vụ xâm hại trẻ em với 3.546 trẻ em bị xâm hại. Tuy số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý có giảm nhưng giảm chưa nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài và có cả trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình…

Trang bị cho trẻ em những kiến thức bảo vệ trẻ em

Từ thực tế đó, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; phải hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Ông Đặng Hoa Nam đề nghị: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đưa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng, hiện nay số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều hơn, mức án cũng nghiêm khắc hơn so với trước nhưng vẫn còn một số vụ khó xét xử. Một trong nguyên nhân là do những quy định về pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc. Các hành vi xâm hại trẻ em như dâm ô, khiêu dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác… tuy đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự nhưng các cơ quan tư pháp, nhất là cơ quan điều tra cho rằng cần phải quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn để xử lý đúng với hành vi phạm tội, tránh oan sai. Ngoài ra, quy trình xử lý các vụ xâm hại tình dục nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng của các cơ quan tiến hành tố tụng có một số nội dung chưa sát với thực tiễn, ảnh hưởng đến việc nhanh chóng, chính xác đối tượng và hành vi phạm tội.

Đại tá Phạm Mạnh Thường (Phó Cục trưởng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết, trước diễn biến phức tạp của việc xâm hại tình dục trẻ em, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo toàn ngành quyết liệt xử lý. Công an địa phương phải thông báo các vụ xâm hại trẻ em để Bộ Công an hướng dẫn và cử người xuống hỗ trợ điều tra. Bộ Công an có đường dây nóng 113 tiếp nhận thông tin 24/24h. Bộ cũng đang triển khai dự án nâng cao năng lực cho cán bộ, điều tra viên; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng 10 phòng phỏng vấn, xét hỏi thân thiện ở 10 tỉnh/ thành phố. Các phòng phỏng vấn, xét hỏi đều có đầy đủ người biết tiếng địa phương, tiếng Anh. Nếu trẻ bị xâm hại là bé gái, người hỏi và bác sĩ đều là nữ có chuyên môn cao.

Theo Cục phó Cảnh sát hình sự, công an sẽ điều tra theo tuyến địa bàn trọng điểm, dùng nghiệp vụ để ngăn chặn các hành vi phạm tội, lên danh sách người có tiền án, tiền sự (kể cả người nước ngoài lưu trú trên địa bàn, người nước ngoài về thăm thân, đi du lịch...) để quản lý. Bộ Công an cùng các bộ, liên ngành đang nghiên cứu, tham mưu sửa đổi các điều luật cho phù hợp thực tế. "Chúng tôi nâng cao hợp tác quốc tế thông qua con đường ngoại giao. Nếu người nước ngoài vi phạm tại Việt Nam, cơ quan chức năng của họ sẽ sang cùng điều tra; nếu xảy ra ở các nước, Việt Nam cũng sang phối hợp", đại tá Thường cho hay.

Để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ hiệu quả hơn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà đề nghị Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về trẻ em, tăng cường xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục đặc biệt cho các bậc cha mẹ nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung bảo vệ trẻ em vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Theo các chuyên gia, để tăng cường giám sát công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục. Tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh