Cabin học lái ô tô: Chi phí đầu tư cao, liệu có mang lại hiệu quả?
- Y học 360
- 00:53 - 03/06/2020
Chi phí đầu tư cao…
Ghi nhận của PV, hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe tại TP.HCM đều đã lắp đặt, vận hành ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết, theo đúng lộ trình từ ngày 1/5/2020. Riêng đối với phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, Cabin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian… vẫn đang được các cơ sở đào tạo lái xe triển khai để đảm bảo đúng lộ trình từ ngày 1/1/2021 theo quy định của Bộ GTVT.
Theo các cơ sở đào tạo lái xe, việc đưa ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ góp phần nâng cao ý thức của các học viên. Đồng thời, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư đối với thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe gồm hệ thống các máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và Cabin học lái xe ô tô hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch GPLX Hoàng Gia rất ủng hộ việc đưa Cabin học lái vào trong đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô tô. Tuy nhiên, ông Long cũng tỏ ra băn khoăn về việc xác định xem việc sử dụng thiết bị mô phỏng trong công tác đào tạo có giúp giảm thiểu tai nạn, vi phạm giao thông hoặc có giúp người điều khiển phương tiện có kỹ năng lái xe an toàn hơn so với không sử dụng thiết bị hay không?
"Về phía Trung tâm luôn ủng hộ việc áp dụng khoa học công nghệ vào trong công tác giảng dạy và học lái xe. Bản thân Trung tâm cũng đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết theo đúng quy định. Tuy nhiên, đối với việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe lại gặp một số khó khăn. Vì hiện nay trên thị trường, các đơn vị cung cấp thiết bị này vẫn chưa được phổ biến. Đồng thời, về giá cả hiện nay vẫn chưa có giá sàn", ông Long cho biết.
Liệu có mang lại hiệu quả?
Ông Long cho biết thêm: "Trên thực tế, các loại thiết bị này hiện đang bán trên thị trường có giá rất cao, giao động từ 400 - 600 triệu đồng. Nếu đầu tư thì chi phí cho đào tạo lái xe sẽ tăng lên nên có khả năng các trung tâm sát hạch lái xe sẽ tăng học phí đào tạo. Đồng thời, việc đầu tư thiết bị cabin điện tử khá lớn trong khi chưa đánh giá được hiệu quả sẽ gây nên sự lãng phí chung cho xã hội và gây khó khăn người học. Trong khi đó, với giá thành hiện nay, là một chi phí không nhỏ và thực sự đắt đỏ so với hiệu quả dự kiến mang lại. Mặt khác, giữa việc bỏ tiền mua một chiếc ô tô đời mới, dù chỉ là loại giá rẻ, và mua cabin điện tử để tập lái thì rõ ràng mua ô tô sẽ mang lại nhiều ích lợi hơn và hiệu quả hơn".
Cũng theo ông Trần Đức Tân Xuân, Giám đốc Trung tâm dạy nghề bán công Sài Gòn Tourist cũng cho biết, theo thông tư 38, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe sẽ phải ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, sát hạch. Trong đó, có lắp camera giám sát thi lý thuyết, thi thực hành; lắp thiết bị nhận dạng vân tay học viên học thực hành; trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; Cabin học lái xe… Qua đó, việc phải đầu tư quá nhiều thiết bị, khiến các cơ sở rất khó có thể huy động vốn. Trong khi đó, điều kiện học viên ngày càng giảm, số tiền đầu tư lớn, gây khó cho các cơ sở đào tạo.
"Việc lắp đặt camera giám sát các phòng học lý thuyết, máy quét vân tay, các camera để giám sát thực hành và lắp thiết bị giám sát hành trình trên mỗi xe có chi phí không hề nhỏ. Trong khi đó, đối với những cơ sở có hàng trăm xe, đồng nghĩa với số tiền đầu tư lớn. Chưa kể giá thành của Cabin học lái có giá khá đắt đỏ, lên đến khoảng 500 triệu đồng/chiếc. Mỗi cơ sở phải trang bị nhiều Cabin thì số tiền đầu tư có thể lên đến hàng tỷ đồng. Trong bối cảnh cạnh tranh học viên không tăng thì việc đầu tư trên sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong khi việc tăng học phí sẽ rất khó khăn. Vì vậy, trước mắt, chỉ nên áp dụng thí điểm lắp đặt tại một vài các cơ sở. Sau đó, sẽ thực hiện đánh giá hiệu quả, nếu khả thi sẽ nhân rộng ra phạm vi toàn quốc…", ông Xuân bày tỏ.
Theo ông Ngô Đình Quang, Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết; thiết bị giám sát thời gian; phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông... Đây là quy định rất cần thiết, góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an toàn, trật tự giao thông; giúp người học hiểu rõ, ý thức hơn và sẽ xử lý tốt hơn các tình huống trên đường.