Cả tổ dân phố bức xúc vì bị bao vây bởi phế liệu
- Y học 360
- 19:41 - 02/06/2020
Dẫn tôi đi vòng quanh khu vực tổ 29, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu nhiều người dân nhắc nhở tôi: Nhà báo phải thật cẩn thận chứ sợ rằng có kẻ manh động. Điều nhắc nhở đó khiến tôi càng thêm tự tin vì có lẽ mình đang làm một việc cần làm.
Quả thật, không thể tin được trong phạm vi khoảng 20.000 m2 bao bọc bởi 4 tuyến phố: Đông Trí 2, Đông Trí 3, Đông Trí 5 và đường Nguyễn Khắc Nhu, người dân phải chịu rất nhiều những tác nhân gây ô nhiễm môi trường như: Xưởng sản xuất Inox của Doanh nghiệp Tuấn Phương trên đường Đông Trí 2, Bãi đỗ xe của nhà xe khách Hà Thi tại ngã tư Đông Trí 3- Nguyễn Khắc Nhu. Nhưng đáng nói nhất ở đây chính là Công ty trách nhiệm hữu hạn Huấn Thương trên đường Đông Trí 5.
Theo quan sát trực tiếp thì có thể nhận thấy, đường Đông Trí 5 có chiều dài khoảng 100 m, lòng đường 5,5 m, vỉa hè 3,5 m thì gần như đã bị Công ty Huấn Thương "độc chiếm". Dọc hai bên đường các loại phế liệu từ sắt thép vụn cho đến máy biến thế được xếp kín hết toàn bộ vỉa hè hai bên đường và tất cả những khoảng đất trống. Dọc đường Đông Trí 2 và phần đất trống bên kênh Đa Cô cũng bị doanh nghiệp này gần như chiếm hữu để biến thành những núi phế liệu.
Ông Nguyễn Văn Kha có nhà tại số 55 Đông Trí 3 cho biết: Ông đã về đây làm nhà ở từ năm 2005, lúc đó các "núi" phế liệu này đã có từ trước. Trong đó thôi thì đủ loại, có cả những thứ rất độc hại. Theo ông Kha, có nhiều đống phế liệu đã tồn tại hơn 10 năm nay mà không hề thấy vận chuyển hay buôn bán gì, có lẽ nó đã trở thành rác thải. Riêng tuyến đường Đông Trí 5 thì người dân ở đây coi như của riêng Huấn Thương vì xe chở phế liệu thường xuyên ra vào, đậu đỗ đinh, sắt nhọn rơi vãi tứ tung chẳng ai dám đi qua.
"Không chỉ phải chịu đựng sự ô nhiễm bẩn thỉu của hàng núi phế liệu mà người dân ở đây còn phải chịu những tiếng ồn bất kể ngày đêm của xưởng sản xuất inox, tiếng máy và còi xe của nhà xe Hà Thi", ông Kha bức xúc.
Còn bà Nguyễn Thị Phương ở số 5 đường Đông Trí 5 thì bức xúc: Người dân đã gọi vào đường dây nóng của thành phố nhiều lần và tại các cuộc họp từ tổ dân phố đến tiếp xúc cử tri cũng phát biểu gay gắt nhưng không hề thấy sự phản hồi nào từ phía chính quyền. Vốn là một người kinh doanh bất động sản, khi dự án ở đây hình thành bà Phương đã mua 2 lô đất trên đường Đông Trí 6 nhưng từ đó đến nay không thể bán được vì khi tới mua, khách hàng nhìn thấy những núi phế liệu như thế này là họ đi luôn không hề thấy hồi âm. Bà Phương cũng cho biết hầu như cả khu vực này dù là phố nhưng không có hộ kinh doanh nào vì dịch vụ, buôn bán đều không thể tồn tại trong cái cảnh ô nhiễm như vậy.
Gần chục người dân ở đây đã "vây" tôi với kiến nghị: Nhờ nhà báo phản ánh hộ, nếu để tình trạng này tiếp diễn thì hãy giải tỏa chúng tôi đi. Nếu không thì phải buộc các doanh nghiệp gây ô nhiễm di dời ra khỏi khu dân cư. Trao đổi việc này với cán bộ Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng, được biết, theo phân cấp quản lý thì việc này thuộc thẩm quyền của UBND Quận Liên Chiểu.
Như vậy, câu hỏi này sẽ mong được lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đưa ra lời giải trước những bức xúc và đòi hỏi chính đáng của người dân.