CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:48

Cá tầng đáy ào ạt dạt vào bờ biển Huế

 

Trong những ngày qua, ngư dân thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế neo đậu ghe, thuyền mà không ra khơi bởi xuất hiện tình trạng nhiều loài cá sống ở tầng đáy bơi vào gần bờ với hiện tượng lờ đờ, lưng chừng mặt nước.

 

Một con cá vẩu 35kg dạt vào bờ biển xã Lộc Vĩnh vài ngày trước

 

Cố hết sức kéo tấm lưới từ dưới thúng đánh cá lên bờ, ông Nguyễn Văn Chương (trú thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) buồn rầu cho biết, số lưới ở đây là số lưới cuối cùng ông đưa vào bờ để cất. “Từ khi có cá chết dạt bờ, tôi vẫn để một vài phao lưới ở ngoài biển với hi vọng chờ cá hết chết hẳn sẽ ra đánh tiếp. Chờ đến giờ mà cá vẫn còn chết nên quyết định không ra khơi nữa” – ông Chương nói.

Sau khi xuất hiện cá chết hàng loạt dạt vào bãi biển xã này, ngư dân ở đây vẫn hy vọng sự kiến sớm kết thúc, cơ quan chức năng kết luận vụ việc nên họ vẫn bỏ lưới vào bao ở sát bờ để đợi ngày ra khơi. Vậy nhưng từ sáng 27/4, khi nhiều thợ lặn tôm hùm tại vùng biển gần chân cảng Chân Mây sau khi lặn xuống biển thì phát hiện nhiều cá mú gai vừa chết ở dưới biển thì họ chính thức thu lưới, không ra khơi nữa.

Ông Ngô Thảo (thôn Phú Hải, Lộc Vĩnh), một trong số những thợ lặn trong thấy cá chết, cho biết khi đang lặn tôm hùm ở độ sâu khoảng 6 m thì phát hiện tầm 7-8 con cá mú gai vừa chết nhưng vẫn còn tươi. Ngư dân này miêu tả rằng các con cá chết nằm rải rác trong phạm vị 50 m, do lo sợ nên ông này cũng nhanh chóng ngoi lên mặt nước vào bờ.

 

Ngư dân xã Lộc Vĩnh treo lưới sau khi phát hiện cá mặt đáy trôi dạt vào

 

Cũng theo nhiều hộ ngư dân, trong khoảng 2 ngày trở lại đây, ở vùng biển Bình An (xã Lộc Vĩnh) xuất hiện hiện tượng vô cùng kì lạ. Những con cá sống ở độ sâu cách mặt nước biển khoảng từ 15-20m như cá liệt chạng, cá phèn, cá đuối…bây giờ lại xuất hiện ồ ạt tại khu vực chỉ cách mặt nước từ 3-4m. “Bình thường chúng tôi chỉ bắt được loài cá từ 15-20 kg nhưng giờ cá dạt vào nhiều lắm, trọng lượng lớn hơn nhưng giá vô cùng rẻ" - ông Lũy nói.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cũng xác nhận đã nghe ngư dân kể lại hiện tượng trên. Ngoài ra, thời gian vài ngày trở lại đây có nhiều con cá vẩu nặng trên 30 kg/con bị chết, trôi dạt vào bờ biển. Đó là hiện tượng kỳ lạ bởi loài cá này sống ở tầng đáy, ngoài biển khơi.

Còn ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết nhiều tàu đánh bắt xa bờ sau nhiều ngày ra khơi chỉ đánh được vài tạ cá. "Lúc trước có tàu mỗi chuyến đi biển vài tấn đến vài chục tấn cá, nhưng từ khi biển xuất hiện cá chết thì không hiểu sao cá ngoài khơi lại ít hẳn đi" - ông Phát nói.

 

Ngư dân chỉ bán được loại cá hố để xuất khẩu

 

Theo ông Phát, tại xã này nhiều tàu cá sau khi ra biển đánh bắt vào bờ chỉ bán được một số loài cá sống ở tầng mặt như cá hố để xuất khẩu sang Trung Quốc, còn các loại cá sống ở tầng đáy đành phải chở về nhà trữ đông, chờ thương lái thu mua. "Trước khi ra biển, ngư dân chúng tôi phải liên hệ thương lái xem có mua loài cá nào mới dám đi" - ông Phát khẳng định.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đã có báo cáo với UBND tỉnh về thiệt hại cũng như đề xuất hỗ trợ cho ngư dân. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 35 tấn cá nuôi bị chết, thiệt hại 7 tỉ đồng và 1 tấn cá biển tự nhiên chết, trôi vào bờ. Theo ông Hùng, các cơ quan chức năng chỉ có thể thống kê được thiệt hại của người dân có cá nuôi bị chết, riêng ảnh hưởng kinh tế của ngư dân tại các vùng biển không thể ra khơi thì cần phải có nghiên cứu, đánh giá xã hội học.

theo Q.Nhật/nguoilaodong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh