CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:16

Cả nước đã có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư

Cả nước đã có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư - Ảnh 1.

Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cao hơn người không di cư.

Theo thống kê, cả nước đã có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, con số này chiếm khoảng 7,3% tổng dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ di cư của nữ giới vẫn cao hơn nam giới trong tổng số dân di cư, nhưng sự chênh lệch này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng.

Phần lớn người di cư ở nhóm tuổi 20-39 (chiếm 61,8% trên tổng số người di cư). Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ nhập cư cao nhất cả nước. Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế với các khu công nghiệp lớn, đây vẫn là nơi thu hút đông đảo các lao động di cư, với 1,3 triệu người nhập cư.

Tây Nguyên chuyển từ vùng nhập cư trở thành vùng xuất cư với tỷ suất di cư thuần là âm 12%. Trái ngược hoàn toàn với Tây Nguyên, tỉnh Bình Dương là nơi có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (lên tới 200,4%) trong số 12 địa phương trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương. Sóc Trăng là tỉnh có tỷ suất di cư thuần âm cao nhất (-75%).

Một trong những ảnh hưởng của quá trình di cư đô thị hóa là trẻ em di cư sẽ thiệt thòi hơn các trẻ em không di cư trong việc tiếp cận giáo dục ở tất cả các cấp. Năm 2019, có tới 83,9% trẻ em không di cư trong độ tuổi 11-18 đang đi học nhưng chỉ có 55,7% trẻ em di cư ngoại tỉnh trong nhóm nhóm tuổi này đang đi học.

Báo cáo cũng cho thấy, trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) của người di cư đã cải thiện so với 10 năm trước, tăng từ 22,9% năm 2009 lên 37,2% năm 2019 và cao hơn so với người không di cư. Năm 2019, tỷ lệ người di cư có trình độ CMKT cao hơn 17,5 điểm phần trăm so với người không di cư.

Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp của người di cư vẫn cao hơn người không di cư (2,53% so với 2,01%). Và con số thất nghiệp ở nữ giới di cư cũng cao hơn nam giới di cư lần lượt là 2,82% và 2,20%. Hơn 2/3 trong số những người di cư đang thất nghiệp là những người di cư tới thành thị, phần còn lại là di cư tới các vùng nông thôn.

Trong tổng số lao động di cư đang làm việc trong nền kinh tế, có tới 91,4% người di cư làm ở các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ này ở người di cư cao hơn người không di cư. Bên cạnh đó, mặc dù trình độ chuyên môn kỹ thuật của người di cư đã được cải thiện so với 10 năm trước (con số này tăng từ 22,9% năm 2009 lên tới 37,2% năm 2019 và cao hơn người không di cư 17,5%) nhưng không vì vậy mà người di cư có công việc ổn định.

Điều kiện về nhà ở của người di cư tốt hơn so với người không di cư với tỷ lệ sống trong nhà đơn sơ, thiếu kiên cố của hai nhóm này lần lượt là 2,8% và 7,3%. Tuy nhiên diện tích nhà ở bình quân đầu người của người di cư lại ít hơn người không di cư vì gần một nửa số di cư phải đi thuê nhà để ở.

Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là lớn nhất, cứ 1.000 người sống tại các đô thị đặc biệt có tới gần 200 người nhập cư, con số này cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước. Người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị. Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên ở đô thị đặc biệt cao nhất (3,71%), tiếp đến là đô thị loại I (3,03%).

Những điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Bên cạnh đó, xu hướng di cư và tác động của di cư đến đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội cũng sẽ là vẫn đề nổi lên trong thời gian sắp tới.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh