CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:20

Cá ngừ đại dương bị “ép giá” vì chất lượng thấp quá!

 

“Giá cá thấp ngư dân sống không nổi…”

Ông Mai Thành Phúc, đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết, chưa năm nào nghề câu cá ngừ đại dương lại khó khăn như năm nay, sản lượng đánh bắt rất thấp.

Theo ông Phúc, mỗi chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương kéo dài 20-25 ngày, với chi phí 70-100 triệu đồng/chuyến. Nhưng thực tế, chuyến biển vừa qua, mỗi tàu cá chỉ đạt sản lượng 1-1,5 tấn nên có đến 40% tàu cá hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở TP Nha Trang thua lỗ nặng.

Ngư dân đưa cá ngừ đại dương lên cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) để bán cho tư thương
Ngư dân đưa cá ngừ đại dương lên cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) để bán cho tư thương

Theo ông Phúc, trong nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng cũng có đến một nửa số tàu là đủ vốn và lỗ. Sản lượng đánh bắt đã thấp nhưng khi về bờ, cá lại mất giá khiến cuộc sống ngư dân lao đao. “Giá cá thấp quá ngư dân sống không nổi. Chiếc nào về trước thì họ mua 90.000 đồng/kg, còn chiếc nào về sau thì họ mua 86.000-88.000 đồng//kg”, ông Phúc bức xúc.

Theo ông Phúc mô hình thí điểm đánh bắt, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi triển khai ở Nam Trung Bộ hiện còn nhiều trở ngại. “Chuyên gia của Nhật họ đi theo tàu mình ra biển và truyền cho mình tất cả các khâu: từ khai thác, đánh bắt đến bảo quản con cá... Từ bờ chạy ra vùng biển có cá phải mất 2 ngày 2 đêm nhưng họ yêu cầu trong vòng 7 ngày phải chạy vào đất liền ngay, trong khi ngư dân mới chạy ra đánh bắt chưa có thì lấy gì mà chạy vào”, ông Phúc phân trần.

“7 ngày thì ngư dân đánh bắt mới có 10-15 con, chỉ đạt 500-600 kg cá, thì làm sao mà đủ phí tổn. Nếu cứ 7 ngày chạy vào thì ngư dân có nước lỗ nặng, chẳng biết lấy đâu mà bù vô”, ông nói thêm.

Một số ngư dân khác thì cho rằng, họ bị tư thương “ép giá” cá ngừ đại dương. “Rõ ràng là bị ép giá mà, chúng tôi chỉ lo việc đánh bắt, vô bờ rồi thì chủ vựa họ mua bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, không bán cho họ thì chẳng biết bán cho ai”, ông Nguyễn Tấn Thương (xã Phước Đồng, TP Nha Trang), thuyền trưởng tàu cá KH 92259-TS trăn trở.

Hoạt động mua bán cá ngừ đại dương ở cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) giữa tháng 6 năm nay
Hoạt động mua bán cá ngừ đại dương ở cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) giữa tháng 6 năm nay

Công nghệ bảo quản kém, ngư dân lãnh đủ

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang) cho biết, so với tháng trước thì tháng này ngư dân đánh bắt có “nhỉnh” hơn, trung bình mỗi tàu đạt từ 15-40 con/tàu. Ông Hiếu cho biết Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ không kiểm soát được giá cả mà do các tư thương đưa ra, quyết định. Theo ông Hiếu, hiện giá cá ngừ đại dương giảm có thể do các thị trường ở Mỹ, Nhật… giảm sức tiêu thụ, thu mua thấp nên giá tại cảng thấp.

Theo Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty Hải sản Bền Vững (Khánh Hòa), doanh nghiệp chuyên thu mua cá ngừ đại dương ở Nha Trang, một trong những nguyên nhân khiến cá ngừ đại dương mất giá là do chất lượng cá thấp, doanh nghiệp gặp khó khăn về tăng phí đường bộ, phí vận chuyển…

“Con cá ngừ đại dương ở Việt Nam năm nay chất lượng tệ nhất trong những năm vừa qua. Năm ngoái, chúng tôi mua vô 10 con cá thì 8-9 con là loại A, chỉ còn 1 con là loại B. Nhưng năm nay mua vô 10 con thì hết 4 con cá loại B, có khi là 50/50”, bà Thanh nói với PV Dân trí.

Theo bà Thanh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do ngư dân bảo quản cá ngừ đại dương không đúng cách, cộng với việc nắng nóng kéo dài khiến chất lượng cá xuống nhanh.

Trước việc ngư dân tố bị “ép giá”, bà Thanh nói doanh nghiệp nào mua cá ngừ đại dương 88.000 đồng/kg thì bà không biết nhưng hiện doanh nghiệp bà đang thu mua với giá 90.000 đồng/kg. “Nếu một doanh nghiệp mua thôi thì nói là ép, chứ ở đây nhiều doanh nghiệp thu mua mà. Mua ở giá đó thì doanh nghiệp đã rất khó khăn để vượt qua rồi, chứ không thể nói là ép giá”, bà Thanh nói.

Được biết, đa phần cá ngừ đại dương được ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1... Cá ngừ đại dương chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, khối EU, ASEAN… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết gần đây họ chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ…

Năm ngoái, Khánh Hòa đã tổ chức sản xuất chuỗi giá trị cá ngừ đại dương đông lạnh do 3 ngư đội thực hiện gồm: Ngư đội Trường Sa Lớn (5 tàu), Ngư đội Sinh Tồn (4 tàu) và Ngư đội Hải Vương (2 tàu mẹ thuộc công ty TNHH Hải Vương). Bên cạnh đó, công ty Yanmar (Nhật Bản) thực hiện đóng mới 1 tàu cá compisite để chuyển giao công nghệ cho ngư dân Khánh Hòa.

Theo Bộ NN&PTNT, ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần bố trí kinh phí khoa học xây dựng và triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm đầu tư đồng bộ công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sau thu hoạch mô hình thí điểm mô hình liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giá trị; tăng số lượng mô hình khuyến ngư đối với bể hạ nhiệt và hầm bảo quản bằng công nghệ xốp thổi cho các tàu tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; tìm kiếm đầu ra ổn định cho ngư dân...

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh