Cả làng lên phố
- Y học 360
- 17:24 - 20/04/2015
Những con đường được trải nhựa rộng rãi.
Ký ức khó quên...
Gặp chị Trần Thị Thúy, công dân phường Hòa Xuân khi những cơn mưa trái mùa vẫn chưa dứt hẳn. Ký ức về nước lũ đối với chị vẫn chưa bao giờ quên. “Ngày ấy, nhà mình vốn xuống cấp nặng sau nhiều trận lũ, mỗi lần mưa lũ về, nhà khác lo kê đồ lên chỗ cao, mình còn nỗi lo lớn hơn lo... nhà sập, cả gia đình không biết đi đâu mà ở” -chị Thúy chia sẻ. Miền Trung hai mùa mưa nắng, nỗi lo ngập lụt vào mùa mưa dường như đã trở thành nỗi lo thường trực của những người dân nơi đây. Thậm chí, nhiều người nói vui với nhau rằng “lũ là sản phẩm đặc trưng” của nơi này.
Gần cả cuộc đời sống ở vùng “rốn lũ”, ông Nguyễn Văn Hoàng (65 tuổi) kể “Sợ nhất là lũ đến bất chợt trong đêm, không kịp trở tay, bao nhiêu tài sản, vật nuôi bị mất trắng. Làm nghề nông, nhưng thời điểm đó, gia đình tôi cũng chỉ cấy hái một vụ, may ra đủ ăn. Nhiều người trẻ có chí hướng đều bỏ đi nơi khác làm ăn cả”
Quanh năm sống trong cảnh nơm nớp lo lũ về, cuộc sống của nhiều người dân phường Hòa Xuân vì thế cũng trở nên khó khăn, bếp bênh không ổn định. Bà Hoàng Thị Hoa nhớ lại :“Khổ lắm, đường xá thì nhỏ hẹp, lũ đến thì ổ gà, ổ vịt ngập hết không biết đường mô mà lần. Nhiều khi con cái đi làm ăn xa về có ít vốn, muốn làm lại căn nhà mà nghĩ cũng nản, vì làm xong mà lũ ngập thì đâu cũng lại vào đấy”
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, cho biết: “Trước đây, Hòa Xuân là địa bàn nằm trong vùng thấp trũng, thường xuyên phải hứng chịu những trận lũ lụt nhất là vào mùa mưa. Chỉ cần một trận mưa lớn là nước lại bì bõm, đi lại rất bất tiện nên hầu như chẳng ai có ý định tới đầu tư, buôn bán kinh doanh” .
Và một Hòa Xuân đã khác
Khó khăn, vất vả là vậy, mọi việc chỉ thực sự thay đổi khi TP. Đà Nẵng chính thức có chủ trương chỉnh trang đô thị, mở rộng về phía Nam. Năm 2010, hơn 3.000 hộ sinh sống trên phường Hòa Xuân đã được giải tỏa toàn bộ để lên nơi ở mới cách đó chừng 1km, chấm dứt những tháng ngày đằng đẵng thấp thỏm vì lo sợ lũ.
Những cây cầu Hòa Xuân, Nguyễn Tri Phương cũng lần lượt mọc lên kéo Hòa Xuân sát lại gần với trung tâm thành phố và các quận khác.Năm năm sau cuộc di dân, Hòa Xuân thực sự đã trở thành một đô thị thực thụ với nhiều cái mới mà khó nơi nào có được. Trong đó, phải kể đến phường duy nhất không có kiệt, hẻm, bởi con đường hẹp nhất cũng có chiều rộng từ 5,5m trở lên.
Đặc biệt, đây cũng là nơi hiếm có khi sở hữu những con phố nhà thờ vô cùng độc đáo, với hơn 90 nhà thờ tộc họ và các chùa của cả phường được quy hoạch tập trung. Tất cả đều được thành phố cấp sổ đỏ.
Từ những con đường nhỏ, hẹp, lởm chởm với những ổ voi, ổ gà sau những đợt lũ xói mòn, giờ đây Hòa Xuân đã đươc lột xác trong một hình hài mới, với cơ sở hạ tầng vô cùng khan trang, đáp ứng tất cả những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân như trường, chợ, cơ sở y tế và cả sân vận động, công viên… Đường sá đi lại được trải nhựa rộng rãi, vô cùng thuận lợi.
Anh Nguyễn Quang, người dân phường Hòa Xuân không giấu được niềm phấn khởi: “Không chỉ cuộc sống của người dân mình được đổi thay, cơ hội việc làm, cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội mỗi khi có nhu cầu cũng trở nên dễ dàng hơn trước nhiều. Trong đó, cái tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi đó là có được một nơi thờ cúng tổ tiên, họ tộc khan trang, rộng rãi, thuận tiện cho anh em, họ hàng xum họp mỗi dịp lễ, tết xuân về…”.
Từ khoảng 3.000 hộ sinh sống, giờ đây số hộ của phường Hòa Xuân đã tăng lên đáng kể với con số hơn 5.000 hộ. Cuộc sống của người dân đã được đổi thay rõ rệt, mức sống cũng ngày một cao hơn, báo hiệu về một tương lai phồn vinh, sung túc ở nơi vốn từng được mệnh danh là vùng “rốn lũ”.