THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 07:59

TP. Huế: Cá nổi và chết bất thường hàng loạt trên sông An Cựu

 

Cá nổi dày đặc mặt sông An Cựu (TP. Huế) trong sáng và trưa 22/8

Sự việc xảy ra vào đầu giờ sáng ngày 22/8. Điều kì lạ là cùng với tình trạng cá chết rải rác, mặt sông An Cựu dày đặc cá các đàn cá nổi lên mặt nước. Hiện tượng này xảy ra trên chiều dài gần 2km, kéo dài từ đoạn cầu Tam Tây (P.An Đông) đi qua P.An Cựu đến cầu Kho Rèn (đường Lý Thường Kiệt, thuộc P.Vĩnh Ninh).

Đến khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, những đàn cá theo con nước lớn tiếp tục ngược lên phía thượng nguồn để tìm sự sống. Cá chết nổi trên mặt nước có kích cỡ chủ yếu từ 2-4 cm, gồm các đối tượng cá cấn, cá mại, cá diếc, cá bống, cá chép,...Đáng chú ý, nhiều loài cá có sức sống mạnh như cá rô phi cũng phải ngoi lên mặt nước tìm sự sống. Trong khi các loài cá bố mẹ “trụ” nổi thì nhiều đàn cá con bị chết. Chúng chết tạo thành từng mảng, tấp vào bờ.

Nhiều người cao tuổi sống hai bên bờ sông An Cựu cho hay, hiện tượng cá nổi trên sông này không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên với sự xuất hiện dày đặc và nổi lên mặt nước rất lâu, kéo dài nhiều giờ như trong sáng 22/8 là hiện tượng rất lạ.

Với những trận mưa giông kéo dài nhiều tiếng đồng hồ từ chiều tối ngày 21/8 tại TP. Huế, nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bất thường này là do gặp mưa giông nên cá thiếu hụt ô xy, buộc chúng phải ngoi lên mặt nước. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nhận định thiếu ô xy cùng với nguồn nước sông An Cựu ô nhiễm nghiêm trọng đều là  nguyên nhân làm cá nổi và chết dày đặc như vậy.

Người dân hiếu kỳ tập trung hai bên bờ sông theo dõi sự việc

Để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, chiều 22/8, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Hùng cho biết: “Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tìm hiểu nguyên nhân. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường lưu tốc dòng chảy chậm, một số khu vực nước đứng hoàn toàn, màu nước đậm. Hàm lượng Oxy thấp, nồng độ PO4 và NO2 cao vượt quá giới hạn cho phép. Ngoài ra, chiều ngày 21/8/2016 có đợt mưa giông lớn, các chất thải dọc hai bên bờ sông các chợ trôi xuống khu vực này. Hiện tượng tức giông, kết hợp với môi trường ô nhiễm hữu cơ làm cho các khí độc phát sinh, tiêu hao hàm lượng oxy vào buổi sáng có thể là nguyên nhân làm cho cá chết.”

Nhằm giải quyết vấn đề, Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế đề xuất các giải pháp: khơi thông một số khu vực bị bồi lấp, làm vệ sinh khu vực sông An Cựu tạo dòng chảy thông thoáng; đặc biệt khu vực nước cấp vào sông An Cựu từ sông Hương và khu vực thoát nước vùng hạ nguồn. Thường xuyên mở đập chắn Phú Cam để dòng nước được lưu thông, bổ sung nguồn nước sạch từ sông Hương chảy vào sông An Cựu.

Về lâu dài, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phân tích các chỉ tiêu chất độc, kim loại nặng,... Tập trung kiểm tra vệ sinh môi trường tại các khu vực chợ Bến Ngự, chợ An Cựu và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác để hạn chế việc xả thải ra môi trường. 

Thảo Vi/Lao động Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh