Cá chết hàng loạt ở miền Trung: có ăn được không?
- Y học 360
- 17:45 - 29/04/2016
Hàng chục tấn cá chết dạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung những ngày qua, khiến ai nhìn thấy cũng xót xa. Nhiều người tiếc của đã gom về ăn hoặc bán cho người khác để làm mắm hoặc chế biến thành món ăn khác. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, đã có người sau khi ăn cá bị nôn ói, ngộ độc. Đặc biệt, một vị lãnh đạo của Hà Tĩnh còn khẳng định sẵn sàng ăn cá chết và đi tắm biển… khiến người dân càng thêm nghi hoặc. Liên quan đến vấn đề này, VOV.VN trao đổi với TS Bùi Quang Tề - nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, chuyên gia về bệnh thủy sản.
PV: Thưa ông, nhiều người băn khoăn không biết cá chết có ăn được không và những nếu có hiện tượng cá chết do nhiễm độc thì những con cá chưa chết có độc hay không?
Ông Bùi Quang Tề: Bây giờ phải có câu trả lời chính thức từ phía các Bộ. Nhưng theo tôi, đây rõ ràng không phải cá chết là do bệnh mà do ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường là do chất độc, nguy hiểm nhất là thủy ngân và chì, nhưng đến hôm nay, Thừa Thiên Huế đã làm xét nghiệm và chưa thấy có độc tố, mà chỉ có kim loại nặng Crom nhưng cũng không đáng sợ vì chỉ gấp đôi hàm lượng cho phép. Nguyên tố này chỉ nguy hại khi vượt quá mức cho phép hàng chục lần.
PV: Vậy theo ông, ô nhiễm khiến cá chết có nguy hiểm đến tính mạng con người không?
Ông Bùi Quang Tề: Tôi nghi là ô nhiễm hữu cơ. Ô nhiễm hữu cơ thì không đáng ngại mà ô nhiễm kim loại nặng mới đáng ngại. Hiện nay, xét nghiệm ở Huế làm thì chì và thủy ngân dưới mức cho phép. Bây giờ phải phân tích đầy đủ xem còn ô nhiễm nào nữa không. Nếu cá bị bệnh thì không vấn đề gì vì tất cả những vi khuẩn của cá chỉ làm giảm chất lượng mà không lây sang người. Có một vài vi khuẩn có thể lây nhưng hiện nay những vi khuẩn này chưa gặp.
Tôi nhắc lại, nếu là cá nhiễm bệnh thì không lây cho người. Chỉ có một vài bệnh như vigro, ecoli… thì có nguy cơ lây nhiễm, còn tất cả virus cá không lây cho người. Những bệnh này thường ở cá nước ngọt nhiều hơn cá biển. Virus cá biển không lây cho người.
PV: Nhiều người thu gom, mua cá chết đem về làm mắm vì họ cho rằng ngâm lâu trong muối sẽ khử được độc tố, thưa ông?
Ông Bùi Quang Tề: Như tôi đã nói, nếu cá bị nhiễm bệnh chết thì chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cá, nói chung là chất lượng kém. Nhưng nếu phát hiện ra các độc tố như thủy ngân, chì… thì chỉ có cách đem chôn, không thể ăn được. Bài học của Nhật cách nay mấy chục năm là một ví dụ. Người bị nhiễm độc có khi không bị ảnh hưởng ngay mà mấy chục năm sau mới thấy như chân tay run…
PV: Xin cảm ơn ông!