Cá chép ngộp thở bởi tro, chân hương sau khi được thả ngày ông Công ông Táo
- Y học 360
- 14:15 - 14/01/2023
Theo tín ngưỡng dân gian, việc cúng ông Công ông Táo là dịp để các gia đình tiễn ''thần bếp'' lên chầu trời, báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử... của gia đình trong năm đó. Cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12 giờ ngày 23 tháng Chạp). Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.
Cũng từ sáng sớm, nhiều người dân đến các địa điểm quen thuộc ở Hà Nội như Hồ Tây, Công viên Cầu Giấy, cầu Long Biên… để thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời. Do năm nay 23 tháng Chạp vào ngày cuối tuần nên phần lớn người dân làm lễ cúng đúng ngày.
Sau khi cúng xong, những con cá được mang đi thả, vừa là để ông Táo có vật cưỡi về trời, vừa mang ý nghĩa phóng sinh. Với người dân, khoảnh khắc thả cá chép xuống nước ngày ông Công ông Táo về trời thường mang nhiều cảm xúc đặc biệt, báo hiệu chuẩn bị kết thúc năm cũ, bắt đầu cho năm mới. Năm nay nhiều gia đình đưa theo con trẻ để kết hợp cho các con có cơ hội tìm hiểu thêm về phong tục dân gian.
Tại mỗi điểm thả cá, hầu hết đều có những panô và người nhắc nhở người dân bảo vệ môi trường. Vật dụng để đựng cá cũng rất phong phú, từ xô, lọ thuỷ tinh, âu nhựa… nhưng chiếm số lượng lớn là bịch ni-lông.
Để hạn chế việc vứt rác, túi ni-lông bừa bãi sau khi thả cá gây ô nhiễm môi trường nên quanh hồ có một số sọt nhựa để người dân tập trung bỏ rác.
Tuy nhiên việc không vứt túi ni-lông xuống ao, hồ chỉ giảm thiểu một phần nguy cơ. Nhiều gia đình thả chân hương, tro tàn sau hoá vàng mã xuống hồ với mong muốn “để mát mẻ” vô tình gây nên ô nhiễm nặng môi trường nước. Tại hồ Hoàng Cầu (Hà Nội), nước trở nên ô nhiễm nghiêm trọng do người dân thả tro, chân hương...
Cá chép vàng được thả nhiều xuống hồ nhưng một số con không thể sống sót trong môi trường đầy ô nhiễm, bị ngộp thở trong làn nước dày đặc chân hương và tro bụi. Thậm chí với cách thả cá “không giống ai” cũng là nguyên nhân khiến nhiều chú cá ngắc ngoải.
Hàng năm, các phương tiện truyền thông đã tuyên truyền rất nhiều để người dân ý thức hơn bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, lực lượng nhân viên môi trường còn mỏng, các tổ dân phố cũng không phải lúc nào cũng phân công người trực, nhắc nhở. Do đó, rất mong bên cạnh việc giáo dục truyền thống, các gia đình nên nâng cao ý thức, tăng cường giáo dục con em ý thức bảo vệ môi trường để chúng ta được sống trong môi trường xanh - sạch - đẹp.