THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:42

Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Tam Điệp (Ninh Bình): Địa chỉ tin cậy của người bệnh

 

Lãnh đạo bệnh viện đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tháng 10/2015.

 

Nỗ lực, vượt khó vươn lên

Những ngày đầu Xuân Bính Thân 2016, chúng tôi có dịp về thăm Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp. Dù không được gặp các bác là đối tượng chính sách đến điều dưỡng tại đây đợt này, nhưng được nghe Giám đốc Bệnh viện - ông Vũ Văn Trình kể về những nỗ lực, vượt khó vươn lên của tập thể cán bộ, thầy thuốc nơi đây về sự tận tâm chăm sóc, giúp đỡ người bệnh trong điều kiện bệnh viện còn nhiều khó khăn, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả mà hàng ngày các anh đang làm - các anh là niềm tự hào của ngành LĐ-TB&XH. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm các khoa, ông Trình vừa kể cho chúng tôi nghe về chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của bệnh viện. Bệnh viện CH& PHCN Tam Điệp, tiền thân là Xí nghiệp Chỉnh hình Tam Điệp được thành lập theo QĐ số 180/NV ngày 10/7/1975 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ LĐ-TB&XH). Bệnh viện được đặt tại thị trấn Đồng Giao (nay là phường Trung Sơn, Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình). Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, bệnh viện từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình qua 5 giai đoạn.

Giai đoạn 1975 – 1982, thời gian này, bệnh viện có tên là Xí nghiệp CH Tam Điệp. Giai đoạn 1982 – 1989, để đáp ứng tốt nhiệm vụ tại thời điểm này, ngày 8/10/1982, Bộ TB&XH (nay là Bộ LĐ-TB&XH) đã ban hành QĐ số 218/TBXH giao thêm nhiệm vụ, chức năng điều trị phục hồi chức năng cho thương, bệnh binh và đổi tên Xí nghiệp CH Tam Điệp thành Trung tâm PHCN Tam Điệp. Giai đoạn 1990 – 2001, trước nhu cầu phát triển của ngành CH cả nước, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành QĐ số 244/LĐTBXH ngày 27/5/1989 giao thêm chức năng phẫu thuật chỉnh hình và điều trị PHCN cho người tàn tật. Tháng 4/2002, Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Ninh Bình đã thống nhất chuyển giao Trung tâm CH, PHCN Tam Điệp (trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH) về cho tỉnh Ninh Bình quản lý (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH). Ngay sau đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã đổi tên Trung tâm thành Trung tâm CH, Điều dưỡng, PHCN Tam Điệp và giao bổ sung thêm nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên người có công.

Ngày 5/11/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ký quyết định nâng cấp Trung tâm CH - Điều dưỡng - PHCN Tam Điệp thành Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp trong tình hình mới.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH  Ninh Bình chúc mừng bệnh viện nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (Tháng 10/2015).

Có thể nói, trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, trước đây, điều kiện cơ sở vật chất của Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp còn nhiều khó khăn. Hệ thống trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và bệnh nhân đã lạc hậu, phần lớn không đáp ứng được với nhu cầu điều trị, khám chữa bệnh nên công tác khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, với tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn của tập thể cán bộ, nhân viên của bệnh viện, trong những năm qua bệnh viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành giao trong việc tiếp nhận điều trị PHCN cho các đối tượng chính sách, bệnh nhân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận; điều dưỡng người có công; đối tượng quanh vùng bị khuyết tật, tai nạn...Những năm gần đây, được sự quan tâm của ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình, bệnh viện được đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế như máy X.quang, máy Siêu âm, Điện tim…đặc biệt là đội ngũ bác sỹ đã được tăng cường, được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn…đáp ứng tốt yêu cầu điều dưỡng, PHCN; khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và nhân dân quanh vùng kịp với sự phát triển chung.

Xứng đáng là bệnh viện chuyên khoa của ngành LĐ-TB&XH

 Cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ, nhân viên, trong những năm qua, Bệnh viện CP&PHCN Tam Điệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Tam Điệp luôn là địa chỉ tin cậy của người bệnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận.  

 Riêng năm 2015, bệnh viện đã tiếp nhận, khám, điều trị, phẫu thuật và PHCN cho 5.570 lượt bệnh nhân (đạt 186,0% kế hoạch năm). Trong đó, điều trị PHCN đối tượng chính sách là 295 lượt người; điều trị PHCN bệnh nhân xã hội 4.425 lượt người; phẫu thuật chỉnh hình 850 ca (trong đó có 54 ca phẫu thuật cho trẻ khuyết tật theo dự án SAP-VN). Tổng thu viện phí sau khi đã trừ chi phí ước tính 1.500 triệu đồng. Kết quả trên đã nói lên những nỗ lực vượt khó vươn lên của tập thể các thế hệ cán bộ, nhân viên bệnh viện được người bệnh tin yêu. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng giúp đơn vị chính thức trở thành Bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình PHCN trong khu vực.

Bên cạnh đó, những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, sự chỉ đạo quyết liệt của ngành LĐ-TB&XH, bệnh viện đã tích cực đầu tư, sửa chữa nhà điều dưỡng khang trang sạch đẹp, đầu tư mua sắm các trang thiết bị nội thất, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, phẫu thuật CH, PHCN, đáp ứng tốt nhu cầu khám, điều trị, PHCN cho các đối tượng người có công và người bệnh hiện nay. Qua tìm hiểu của phóng viên được biết, ngoài chức năng, nhiệm vụ ngành LĐ-TB&XH giao, hàng năm bệnh viện còn tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm ca phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cho người bệnh bị tai nạn, người bệnh là người tàn tật, PHCN cho người bệnh bị tai biến mạch máu não trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa làm giảm tải người bệnh  cho tuyến trung ương.

Năm 2016, với quyết tâm cao của Ban giám đốc bệnh viện, bệnh viện phấn đấu khám, điều trị PHCN cho khoảng 5.500 lượt người. Trong đó, đối tượng chính sách là 250 lượt người; bệnh nhân điều trị PHCN là 4.280 lượt người; phẫu thuật chỉnh hình 700 ca. Tiếp nhận điều dưỡng chăm sóc cho 250 lượt người có công; sản xuất lắp ráp 100 sản phẩm dụng cụ chỉnh hình.

Ông Vũ Văn Trình, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Có được kết quả ngày hôm nay, chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình và đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời của Sở LĐ-TB&XH. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đoàn kết phấn đấu để hoàn thành hơn nữa nhiệm vụ ngành giao cho, xứng đáng với niềm tin yêu của người bệnh, xứng tầm là bệnh viện chuyên khoa CH&PHCN của ngành LĐ-TB&XH”.

Ghi nhận những nỗ lực, kết quả đã đạt được trong những năm qua, Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp đã vinh dự được Đảng và Nhà nước; Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Ninh Bình trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhiều năm liền (từ 2008- 2012), bệnh viện được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Sở LĐ-TB&XH tặng Bằng khen, giấy khen, Cờ thi đua xuất sắc, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Đặc biệt, năm 2012, bệnh viện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2013, được Bộ LĐ-TB&XH tặng thưởng Bằng khen.

Nhiều tập thể, cá nhân của bệnh viện cũng đã vinh dự được Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen; được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và cấp cơ sở. Công đoàn bệnh viện cũng được Liên đoàn Lao động thị xã Tam Điệp (nay là TP.Tam Điệp) xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt tiêu trí “Công đoàn vững mạnh” trong nhiều năm liên tục. Tháng 10/2015, Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Với bề dày truyền thống và những kết quả đã đạt được sẽ là tiền đề quan trọng để Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, phát triển sang giai đoạn mới phù hợp với điều kiện thực tiễn. Góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đối tượng là người có công, người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận ngày càng tốt hơn.

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh