Đuổi học thì ai sẽ dạy các em?
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 21:36 - 31/03/2015
Trước đó, một đoạn clip dài 1 phút 53 giây gây bức xúc trong dư luận với cảnh 2 thiếu nữ lao vào ẩu đả, cấu xé giữa đường. Hai nhân vật chính được xác định là một thiếu nữ mặc áo sáng màu, quần đen, thiếu nữ còn lại mặc áo khoác xanh, quần ngắn màu đen. Một thiếu nữ bị đối phương đè xuống đất và liên tục đấm, đá vào đầu dẫn đến bất tỉnh tại chỗ. Sau đó, 2 thiếu nữ đánh nhau trong clip gây xôn xao mạng được xác định là học sinh và cựu học sinh một trường THCS ở Hậu Giang. Cụ thể, nữ sinh H. là học sinh lớp 9 của Trường THCS Nguyễn Du, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, còn K. là cựu học sinh của trường.
Thông thường, với các vụ học sinh đánh nhau, hình thức kỷ luật đối với các đối tượng vi phạm là đình chỉ học tập hoặc đuổi học. Tuy nhiên, trong vụ việc này, đây có phải là biện pháp tốt nhất? Theo thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): "Tôi cho rằng, đây không phải là cách xử lý đúng. Nếu nhà trường “buông tay” với các em học sinh hư, không dạy các em, đẩy các em ra ngoài xã hội thì ai sẽ dạy? Ở lứa tuổi chưa trưởng thành, các em rất dễ bị sa ngã, lôi kéo phạm tội nếu không được giáo dục và định hướng tốt. Nhất là khi các em đang trong độ tuổi 15-17, chưa thể làm chủ được bản thân lại dễ bạn xấu lợi dụng. Để giữ bình yên cho trường nhưng tạo thêm mầm mống bất bình ổn trong xã hội nếu như các em đó chán nản, tham gia vào các hoạt động tội phạm thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?". Nhà trường đình chỉ học tập của những học sinh đánh bạn 1 tuần hay 1 tháng thì liệu gia đình và chính quyền địa phương có thể quản lý tốt các em khi ở nhà không hay lại vô tình khiến học sinh đó có cơ hội dễ dàng tiếp xúc với những cái xấu trong xã hội. Đặc biệt, trong số những em đánh bạn có hoàn cảnh gia đình không được trọn vẹn như: bố mẹ bỏ nhau, ly thân…
Hình ảnh hai học sinh đánh nhau (ảnh cắt từ clip)
Theo thầy Lâm, những học sinh tham gia đánh bạn thì có thể bị kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường. Nhà trường nên tìm biện pháp, hình thức kỷ luật đi kèm để các em nhận ra được sai lầm và sửa chữa. “Các em có thể tham gia lao động, làm việc công ích lấy công chuộc tội. Đặc biệt, nhà trường phải giáo dục tâm lý cho các em, giúp các em nhận ra sai lầm đồng thời các tỏ chức đoàn đội, cùng các giáo viên tạo điều kiện để các em không tái phạm, hướng tới phục thiện nhân cách hơn là dùng hình thức đình chỉ học tập của các em. Giáo viên, nhà trường, gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, giáo dục học sinh sau vụ việc này. Nhà trường cũng nên tạo cơ hội để học sinh sửa chữa sai lầm, hướng tới phục thiện nhân cách hơn là dùng hình thức đình chỉ học tập của các em.”, thầy Lâm cho biết.
TS Lê Thị Quý, Phó hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long: Nhà trường, chính quyền và gia đình cùng phối hợp giáo dục
Để xảy ra bạo lực học đường trước hết trách nhiệm thuộc về nhà trường nơi các em đang theo học. Tuy nhiên, khi sự việc đã xảy ra thì việc xử lý đuổi học các em là không nên. Không nên đẩy nhà trường thành một ốc đảo mà nhà trường, gia đình và chính quyền cùng phải phối hợp giáo dục các em. Các tổ chức đoàn, đội trong nhà trường cùng giúp nhau để các em định hướng được việc nào nên làm, việc nào nên tránh. Các em cần được trạng bị kiến thức, kỹ năng sống nhiều hơn. Những kiến thức dạy các em tự bảo vệ mình, biết xử lý, kết nối khi bạo lực học đường rất cần được các trường dạy nhiều hơn.
Anh Phạm Duy Tuấn (Hà Tĩnh), là phụ huynh của học sinh đang học lớp 9: Không nên xử lý đuổi học khi học sinh vi phạm
Đây là độ tuổi khá nhạy cảm. Các bạn học sinh thường nông nổi, thích thể hiện mình bằng việc dùng vũ lực. Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Khi đuổi học, có phải là gián tiếp đưa học sinh ra ngoài xã hội nhiều cạm bẫy, đẩy học sinh đến gần với những tệ nạn xã hội này không? Trong khi có nhiều cách có thể xử lý được như cảnh cáo trước toàn trường, đưa học sinh đó vào một nhóm giáo dục đặc biệt tại trường…Từ trước đến nay, ngành giáo dục vẫn cho rằng, đuổi học học sinh là cách để đe dọa các học sinh tái phạm, nhưng liệu nó có mang phản ứng ngược. Độ tuổi cấp 2 và cấp 3 là độ tuổi nhạy cảm, việc đuổi học này thực tế chỉ răn đe được một ít, số còn lại mang tâm lý bất cần sau khi bị đuổi học. Và số này về khả năng dê tiếp cận với các thành phần xấu trong xã hội là rất cao.