Báo động tình trạng bạo lực học đường gia tăng
- Y học 360
- 13:24 - 15/03/2015
Những vụ án đau lòng
Ngày 12/1/2015, vụ ẩu đả giữa hai học sinh xảy ra ngay trước cổng Trường THCS Đan Phượng, (xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà,Lâm Đồng) khiến một học sinh tử vong ngay tại chỗ. Học sinh bị đâm chết là Uông Việt Đức, 15 tuổi, ngụ xã Đan Phượng, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Đan Phượng. Kẻ đâm Đức là Hà Văn Sáu, 17 tuổi, ngụ thôn 2, xã Đan Phượng, bạn học cùng lớp với Đức. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 21g, người dân nghe thấy hai học sinh cãi nhau lớn tiếng trước cổng Trường THCS Đan Phượng. Ít phút sau người dân tới nơi thì đã thấy Đức nằm bất động trên vũng máu, bên cạnh là một mã tấu dài 60cm và một dao gọt trái cây dài khoảng 20cm.
Vào ngày 7/3, tại trường THCS trên địa bàn phường Ba Đình, (TX Bỉm Sơn, Thanh Hóa); M.V.H., N.V.K. và N.T.K. cùng SN 2000, trú tại phường Lam Sơn, (TX Bỉm Sơn), là học sinh lớp 9C đến lớp 9B gây sự đánh nhau với N.Đ.C. SN 2000, trú tại phường Phú Sơn, (TX Bỉm Sơn). Bị tấn công C. dùng dao đâm vào bụng H. và mạng sườn K. gây thương tích. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, song do vết thương quá nặng nên H. đã tử vong, còn K. hiện đang điều trị tại bệnh viện. Đến 16h ngày 7/3, gia đình đưa N.Đ.C. đến cơ quan công an đầu thú.
Tại Hải Dương chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, nhóm học sinh đã quây bạn lại và đánh đến tử vong. Nạn nhân là Đ.T.L (15 tuổi), và nhóm hung thủ: Y, H, T và N. Giữa tháng 10/2014, Y. hẹn bạn và sau khi cãi vã đã lao vào đánh L. Nhóm nữ sinh ấy không chỉ liên tục tát vào mặt của nạn nhân, mà còn dùng guốc đập mạnh. Bị đánh ngã xuống đất, L. đã tử vong sau đó ít giờ. Kết quả khám nghiệm tử thi, cho thấy nạn nhân đã bị xuất huyết não, màng phổi có nhiều chấm xuất huyết, đầu, cổ và lưng có rất nhiều thương tích.
Theo bà Lê Thị Thảo, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, (Sở GD-ĐT Đắk Lắk), trong tháng 11/2014, tỉnh Đăk Lăk có 2 học sinh tử vong do đánh nhau. Ngày 25/11, tại sân Trường tiểu học xã Ea Hồ (xã Ea Hồ, huyện.Krông Năng) xảy ra vụ đánh nhau bằng gậy giữa nam sinh lớp 5 trường này và một nam sinh lớp 6 của Trường THCS Y Jut (cũng thuộc Ea Hồ), hậu quả nam sinh lớp 6 tử vong khi đi cấp cứu. Trước đó, ngày 3/11, tại Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Hòa An, Krông Pắk) cũng đã xảy ra vụ mâu thuẫn, đánh nhau giữa 2 học sinh lớp 9 dẫn đến 1 học sinh thiệt mạng.
Chỉ cần lên Google.com gõ vào mục tìm kiếm cụm từ “nữ sinh đánh nhau 2014” thì trong vòng 0,26 giây đã có 761.000 kết quả khác nhau liên quan đến thông tin, hình ảnh, clip đánh nhau của các nữ sinh. Trong đó, nổi bật là đoạn phim dài 1 phút 30 giây, ghi lại hình ảnh hai nữ sinh mặc áo dài, được cho là học sinh của một trường THPT ở Gia Lai đánh nhau trong lớp. Những cảnh vừa chửi thề vừa lao vào túm tóc, tát tai, đấm đá túi bụi của hai nữ sinh khiến người xem vô cùng bức xúc. Đáng chú ý, nhiều học sinh xung quanh thay vì can ngăn lại reo hò cổ súy.
Quên dạy làm người
Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông”, Ông Phạm Hữu Khương, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Ninh Thuận nói : “Đến lúc chất lượng giáo dục phải làm lại cách đo. Phải đo chất lượng ở ngoài nhà trường, đo về nhân cách, đạo đức của học sinh chứ không chỉ đo về học lực và hạnh kiểm như trước đây. Đồng thời nhà trường cần chú trọng phần dạy làm người cho học sinh. Nếu cần phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thì chúng ta cần phải thay đổi tư duy đã trở thành cố hữu đó. Cần bỏ đi chuyện học gì thi nấy, thi gì học nấy, học để hoàn thiện bằng cấp, củng cố địa vị, làm đẹp chỉ tiêu nâng chuẩn công chức, viên chức…”.
Ông Khương còn cho rằng: "Đáng buồn khi hiện nay chuyện học để làm người, học để lĩnh hội tri thức và áp dụng vào công việc, cuộc sống chỉ xem là thứ yếu. Vì vậy, kết quả là tạo ra thế hệ ngày học sinh càng nhiều đối tượng thiếu kỹ năng sống, ích kỷ, thờ ơ, vô cảm. Trong môi trường học đường các em đã có có những hành vi biểu hiện đáng ngại như vậy thì bước ra xã hội các hành vi bạo lực, giải quyết vấn đề bằng bạo lực của các em - những người có thể được đánh giá là giỏi, tốt ở trường học - còn khủng khiếp hơn. Như vậy, bạo lực học đường không là chuyện học trò đánh nhau mà nó đang “nuôi dưỡng” cho xã hội hành xử trên nền tảng bạo lực, không tình người”.
Một lãnh đạo về công tác giáo dục ở một tỉnh - nơi đã xảy ra nhiều trường hợp học trò thiệt mạng vì bạo lực học đường - chia sẻ rằng chính họ cũng đang lúng túng không biết phải làm thế nào. Đang rơi vào cảnh chờ hậu quả rồi tìm hiểu, mổ xẻ, giải quyết. Nguyên nhân, lý do và cả các biện pháp để chống lại nạn bạo lực học đường như vì áp lực học tập, cuộc sống, kỷ luật chưa đủ răn đe... được đưa ra bàn rất nhiều nhưng thực tế chúng ta nói nhiều hơn bắt tay vào làm. Một trong những vấn đề được đặt ra nhiều nhất là giáo dục - trong gia đình lẫn nhà trường - đang quá tập trung cho việc chạy theo theo kiến thức mà bỏ quên việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em. Những giá trị về giáo dục đạo đức, giáo dục làm người chưa được quan tâm triệt để.
GS-TS Vũ Gia Hiền bày tỏ: "Chúng ta đang đối mặt về sự xuống cấp của nhân cách xuất phát từ việc lòng nhân, tình yêu thương của con người bị bào mòn, khủng hoảng khi con người chạy theo lý trí cá nhân, vụ lợi. Khi mất đi lòng yêu thương, mất đi chỉ số cảm xúc thì chính là lúc cái ác trỗi dậy… Trong khi, lòng nhân của các em phải được nuôi dưỡng và gieo từ sớm, không thể học thành tài mới đi học làm người".
Nữ sinh cũng có những hành vi côn đồ (Ảnh minh họa)