THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:09

Bức xúc chuyện “táo để 9 tháng không hỏng”

Dân biết nghe ai?

Câu chuyện bắt đầu từ việc một người dân tại Hà Nội để quả táo 9 tháng trong điều kiện môi trường bình thường nhưng vẫn không bị hỏng. Để thử nghiệm, đích danh Viện trưởng Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông Phạm Xuân Đà, để quả lê trong phòng làm việc và sau 5 tháng thấy quả vẫn tươi. Tiếp nhận thông tin, dư luận nghiêng về dự đoán chỉ có dùng chất bảo quản vượt mức cho phép thì giúp cho hoa quả tươi lâu như thế.  Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật làm rõ nguyên nhân quả lê để 5 tháng, quả táo để 9 tháng không hỏng, nhằm cung cấp những thông tin chính xác, tin cậy, tránh hoang mang dự luận.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, táo để 9 tháng không hỏng là chuyện bình thường!. Theo phân tích của ông Hồng, quả lê và quả táo hoàn toàn có thể giữ được lâu nếu được sản xuất trong điều kiện không bị nhiễm vi sinh vật, sau khi thu hoạch được xử lý bằng chất bảo quản an toàn và lưu trữ trong các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Thời gian tươi của trái cây hoàn toàn có thể kéo dài từ 6 đến 10 tháng, thậm chí cả năm. Do vậy, chưa thể vội kết luận đó là do chất bảo quản độc hại. “Nhiều năm qua, Cục Bảo vệ thực vật đã phân tích các loại táo, lê nhập khẩu vào Việt Nam và chúng tôi chưa phát hiện nguy cơ do việc sử dụng chất bảo quản độc hại trên các loại quả này” – ông Hồng cho biết.

Khẳng định của ông Hồng được đưa ra chưa đầy 4 ngày thì Viện nghiên cứu Cơ điện nông nghiệpcông nghệ sau thu hoạch thu hoạch nêu ý kiến phản bác. Tiến sĩ Trần Thị Mai – cán bộ của Viện, khẳng định: "Chưa có tài liệu nào cho thấy táo để trong điều kiện bình thường, nhất là ở điều kiện gió mùa nhiệt đới ẩm như Việt Nam lại 9 tháng không hỏng. Hiện nay, loại hóa chất độc hại thường được sử dụng nhiều trong bảo quản hoa quả là 2,4D. Đây là thuốc diệt cỏ rất độc hại, có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số nhà sản xuất vì lợi ích kinh doanh đã đưa vào hoa quả với mục đích kích thích sinh trưởng và bảo quản được lâu hơn, giúp lớp bọc bên ngoài xanh mơn mởn. Chất bảo quản độc hại này có thể giúp trái cây tươi lâu, nhưng rất nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng. Trên thực tế, những chất bảo quản an toàn được phép sử dụng không thể giúp trái cây nguyên vẹn trong 9 tháng mà cần nhiều biện pháp tổng hợp mới có thể làm được.

 

Nhiều ý kiến phản bác khác

Sau khi Cục Bảo vệ thực vật khẳng định “quả táo để 9 tháng không hỏng là chuyện bình thường”, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, người tiêu dùng và cả người kinh doanh mặt hàng này nêu ý kiến phản bác. Đại diện một siêu thị thường xuyên nhập khẩu các loại hoa quả như táo, lê, nho, cam, kiwi…từ các nước Úc, Mỹ, New Zealand, cho biết: Khi nhập về siêu thị phải tuân thủ các hướng dẫn bảo quản như lưu trữ trong phòng lạnh nhiệt độ dưới 5 độ C. Sau khi bày bán ra kệ hàng, chỉ không đầy một tuần là hoa quả có dấu hiệu giảm chất lượng, phải loại bỏ những quả hỏng. Ông Lê Hoàng Hà, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Hiway cho biết, ông khá bất ngờ trước thông tin hoa quả nhập ngoại như táo, lê có thể để 9 tháng không hỏng, bởi siêu thị Hiway hiện nhập khá nhiều loại hoa quả về bán. Bản thân ông khi mang về nhà dùng thường không để quá một tuần đã hỏng. Chung nhận định này, chị Đào Thị Thúy (Mễ Trì, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị mua trái cây nhập khẩu tại siêu thị về sử dụng, thường các loại quả như táo để không quá 1 tuần là đã thối.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhận định, trong điều kiện bình thường, tức là điều kiện con người đang sống, thì không quả nào còn tươi ngon trong 9 tháng, cũng không có hóa chất hay phương pháp công nghệ thông thường nào để trái cây trong 9 tháng mà không hỏng. Hoa quả tại Việt Nam bày bán lẫn lộn, người tiêu dùng vứt lăn lóc trong môi trường có nhiều vi sinh vật, như vậy việc kéo dài “tuổi thọ” mà không sử dụng chất bảo quản là không thể. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng chưa từng biết đến giống cây nào có quả chín, rời cành 6 tháng mà vẫn nguyên vẹn.

Trước kết luận “quả táo để 9 tháng không hỏng là chuyện bình thường”, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Người công bố phải có trách nhiệm, kinh nghiệm, muốn phản biện phải có tài liệu khoa học. Tôi chưa tin kết luận của Cục bảo vệ thực vật. Và tôi muốn hỏi, ông ấy công bố thế là căn cứ trên cơ sở tài liệu, chứng cứ nào. Ông ấy cũng không thể suy đoán được, nếu không có tài liệu chứng minh, thì phải chịu trách nhiệm”.

Khánh Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh