Bữa ăn để có cơ thể sẽ mãi dẻo dai, khỏe khoắn không kém gái 18
- Y học 360
- 02:50 - 05/03/2020
Chúng ta đều hiểu rằng thói quen ăn uống lành mạnh là điều cần thiết để có một sức khỏe tốt. Tuy nhiên, tờ Secret China lại tiết lộ thêm một bí quyết khác giúp đẩy lùi lão hóa và kéo dài tuổi thọ đó là: Giảm lượng đồ ăn tiêu thụ mỗi bữa.
Để giải thích cho điều này, Secret China đã trích dẫn một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Lão hóa Quốc gia (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu là Julie Mathison, họ nhận ra chỉ bằng cách giảm lượng thức ăn mỗi bữa, mọi người có thể kéo dài tuổi thọ của mình.
Ngoài ra, một nghiên cứu của chuyên gia dinh dưỡng Susan Roberts và các cộng sự tại Đại học Tufts (Mỹ) cũng cho thấy những người giảm 25% lượng thức ăn mỗi ngày sẽ có lượng cholesterol tốt trong máu tăng đáng kể, đồng thời giảm 25% yếu tố hoại tử khối u và giảm kháng insulin, 40% hạ huyết áp tổng thể.
Bên cạnh việc giảm số lượng đồ ăn tiêu thụ, các chuyên gia Trung Quốc cũng tổng kết lại một số thói quen ăn uống mà những người trẻ lâu, sống thọ thường có, ai trong chúng ta cũng cần phải học theo.
1. Uống súp trước bữa ăn
Những người có tuổi thọ cao đều có thói quen uống súp trước khi ăn những món chính, điều này sẽ giúp họ giảm sự thèm ăn, cảm giác no sẽ xuất hiện nhanh hơn và cũng giúp bạn tiêu thụ ít đồ ăn hơn.
2. Ăn uống không quá lâu, không quá nhanh
Nhai thức ăn quá lâu hay quá nhanh đều không tốt cho đường tiêu hóa. Nếu chúng ta nuốt quá nhanh, nhai không kỹ thì đồ ăn sẽ không được nghiền nhỏ, làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Ngược lại, việc ăn quá chậm cũng khiến đồ ăn không còn được ngon lành nữa.
Thời gian lý tưởng để ăn một bữa cơm thông thường là từ khoảng 20-30 phút, thời gian này đủ để dạ dày truyền thông tin đến não, giúp não nhận tín hiệu cơ thể đã no và giúp bạn ăn ít hơn.
3. Đừng sợ lãng phí thức ăn thừa
Những người hay tiết kiệm thường thấy rằng việc vứt bỏ đồ ăn ngon là quá lãng phí, họ có xu hướng cố ăn nốt phần còn lại dù bụng đã no, điều này gây hại cho đường tiêu hóa.
Một số người khác có thói quen cất đồ ăn vào tủ lạnh để có thể sử dụng vào ngày hôm sau, điều này có thể khiến thức ăn biến chất, có thể khiến bạn bị ngộ độc. Tốt nhất bạn nên nấu lượng thực phẩm vừa đủ với sức ăn của mình, loại bỏ thực phẩm còn thừa chứ không nên giữ lại.
4. Ăn ít vào buổi tối
Những người sống thọ thường có thói quen ăn ít hơn vào bữa tối bởi sau 7h tối là thời điểm dạ dày nghỉ ngơi, việc nạp nhiều đồ ăn sẽ khiến dạ dày phải vất vả dẫn đến chướng bụng, khó ngủ.
Bạn nên ăn ít vào bữa tối để giúp ích cho đường tiêu hóa, đồng thời không bỏ bữa sáng để tránh nguy cơ béo phì, tiểu đường.
5. Đừng ăn khi thực phẩm còn nóng
Thực quản "thích nhất" thực phẩm có nhiệt độ từ 10-40 độ C, không vượt quá 60 độ C. Nếu nhiệt độ thực phẩm vượt quá 65 độ C, niêm mạc thực quản có thể bị bỏng. Chính vì vậy, khi ăn đồ nóng, bạn nên để nó nguội bớt vài phút trước khi cho vào miệng.
6. Ăn hơn 12 loại thực phẩm mỗi ngày
Đa dạng hóa thực phẩm là nguyên tắc cơ bản để có một chế độ ăn uống cân bằng. Chế độ ăn hàng ngày nên bao gồm ngũ cốc, rau, trái cây, đậu nành, các loại hạt, thịt gia súc, gia cầm, cá, trứng, sữa... Theo Y học Trung Quốc, trung bình mỗi người nên ăn khoảng 12 loại thực phẩm mỗi ngày, nếu không thì phải ăn ít nhất 25 loại mỗi tuần.
7. Ăn trung bình 85 gram cá mỗi ngày
Trong chế độ ăn uống thường ngày của người sống thọ không thể nào thiếu món cá vì đây là nguồn thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng, chứa nhiều protein, ít cholesterol... Bạn nên chọn những loại cá tươi sống, ít tiếp xúc với thủy ngân nồng độ cao và các hóa chất độc hại khác.
8. Nghỉ ngơi 30 phút sau bữa ăn
30 phút sau khi ăn là thời kỳ "vàng son" của sức khỏe, lúc này đồ ăn đang được tiêu hóa vì vậy bạn không nên uống trà đặc, đi tắm, đi tập thể dục, đi ngủ ngay lập tức. Thay vào đó, bạn nên dành thời gian vào việc nghỉ ngơi, thư giãn.
Nguồn: Secretchina, QQ