Bữa ăn cho công nhân: Thiếu và thừa
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:14 - 02/06/2016
Nguồn thực phẩm kém chất lượng
Đúng thời điểm các địa phương đang phát động Tháng hành động về ATVSTP năm 2016, ngày 18/4, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (KCN Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) đã hoảng hồn khi phát hiện có giòi bò ra từ suất ăn trưa tại nhà máy. Tiếp đó, trưa 21/4, hơn 300 lao động làm việc tại các công ty thuộc KCN Minh Hưng - Hàn Quốc (huyện Chơn Thành, Bình Phước) được đưa đi cấp cứu vì bị ngộ độc thực phẩm… Liên tiếp những vụ việc xảy ra ở các bữa ăn tại KCN đã khiến hàng triệu công nhân trên cả nước giật mình lo lắng cho sức khỏe của bản thân, bởi thực phẩm bẩn đang hàng ngày được tuồn vào các KCN, tồn tại trong các bữa ăn của công nhân mà không được phát hiện…
Bữa ăn ca của công nhân. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 256 KCN - KCX tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Bên cạnh nhiều khó khăn mà công nhân phải đối mặt như thu nhập, giờ làm việc, chế độ bảo hiểm..., tình trạng mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn tập thể đang diễn ra những năm gần đây gây nhiều lo lắng trong dư luận xã hội. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, làm cho hàng nghìn lao động phải nhập viện. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các vụ ngộ độc thực phẩm đang có dấu hiệu gia tăng trên toàn quốc. Năm 2015, riêng tại các bếp ăn tập thể đã xảy ra hơn 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 3.000 người phải nhập viện. Chỉ tính riêng quý 1 năm 2016, cả nước ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 900 người nguy kịch, gây tử vong 2 người, trong đó có tới 8 vụ xảy ra từ các bếp ăn tập thể. Trong đó, có tới 70% vụ ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh nguồn thực phẩm kém chất lượng, còn lại hơn 30% nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ. Các vụ ngộ độc gây ra rất nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm năng suất làm việc của người lao động.
Theo số liệu thống kê của Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, tình hình ngộ độc thực phẩm trong KCX - KCN đang có xu hướng gia tăng trở lại. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố cho biết, kết quả phân tích cho thấy đang tồn tại vấn đề trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm. Tại một số bếp ăn tập thể vẫn còn tình trạng lựa chọn thực phẩm giá thành rẻ, chất lượng chưa được đảm bảo. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý bếp ăn lại thường giao cho một bộ phận nhỏ của doanh nghiệp hoặc giao khoán cho nhà thầu mà không thường xuyên kiểm tra, giám sát. Thêm vào đó, việc lực lượng chức năng chuyên ngành tới thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm ở các bếp ăn của công ty trong KCN - KCX không nhận được sự ủng hộ đồng tình của các doanh nghiệp. Thực tế trên đã phần nào lý giải cho việc các vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua chủ yếu vẫn ở các bếp ăn tập thể.
Theo nhận định của Chi cục ATVSTP TP. Hồ Chí Minh, số vụ ngộ độc thực phẩm từ đầu năm 2016 đến nay bằng số vụ xảy ra trong cả năm 2015, tuy nhiên số lượng người nhập viện vì ngộ độc đã cao hơn so với năm trước, 100% số vụ ngộ độc thực phẩm tại KCX - KCN đều xuất phát từ các cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Những vụ ngộ độc thường xảy ra vào khoảng tháng 3 đến 8 hàng năm, khi mà nhiệt độ bình quân của tháng cao hơn hẳn nhiệt độ trong năm, đây là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển. Đồng thời, mức giá suất ăn cho công nhân thấp, cộng với giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay cũng là nguyên nhân khiến các cơ sở phải lựa chọn những nguyên liệu rẻ tiền, chất lượng kém dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Nỗi lo từ bữa ăn giá rẻ của công nhân
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), vấn đề đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các KCX - KCN đã có quy định chặt chẽ từ nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nước, phụ gia… cho đến những quy định về thủ tục hành chính như bắt buộc các bếp ăn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP mới được phép cung cấp suất ăn cho công nhân. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát, 70% vụ ngộ độc thực phẩm trong các KCN là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến (các doanh nghiệp cung cấp suất ăn bên ngoài nhà máy) nên việc kiểm soát khó khăn hơn.
Một nguyên nhân nữa khiến ngộ độc thực phẩm luôn đe dọa các bếp ăn tập thể là do xu hướng sử dụng các bữa ăn giá rẻ rất phổ biến. Nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu sử dụng thực phẩm cung cấp cho công nhân với giá chỉ từ 9.000 -12.000 đồng/suất ăn, chưa kể tới lợi nhuận của người nấu bếp, cơ sở cung cấp suất ăn nên giá trị thực của mỗi suất ăn còn thấp hơn.
“Tôi đã trực tiếp xuống xóm trọ công nhân và chứng kiến bữa cơm của công nhân thậm chí chỉ có 4.000 đồng/ suất. Nhiều doanh nghiệp cho biết, suất ăn thấp nhưng rất nhiều công nhân, nhà máy vẫn chấp nhận vì nếu nâng giá trị suất ăn lên thì công nhân sẽ bị giảm lương. Đây chính là vấn đề khó trong việc quản lý ATTP trong các bếp ăn KCN hiện nay” - ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Việc nỗ lực nâng cao chất lượng bữa ăn trưa, hay còn gọi là bữa ăn ca, nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân đã được đưa vào Nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đến nay vẫn chưa đâu vào đâu và mối lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn của người lao động trên cả nước vẫn đang là một câu chuyện dài chưa có hồi kết . PGS, TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn khẳng định: “Kết quả khảo sát trước năm 2016 cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp trên toàn quốc chưa thực hiện tốt việc cung cấp bữa ăn ca cho người lao động. Nhiều công ty tư nhân do muốn tiết kiệm chi phí nên chỉ định giá mỗi suất ăn cho công nhân trung bình là 10.000 đồng/bữa, sức khỏe của công nhân không được đảm bảo dễ dẫn đến kiệt quệ trong quá trình làm việc”.
Kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại các KCX - KCN thời gian qua cho thấy khẩu phần bữa ăn của công nhân không chỉ thiếu năng lượng mà còn rất mất cân đối, thiếu chất cho sự phát triển cơ thể. Cụ thể, năng lượng sản sinh từ protein chỉ 12%, chất béo 16%, còn lại 72% là các chất bột đường như gạo, khoai...Như vậy, chất lượng dựa trên giá trị của suất ăn theo quy định đã thiếu, lại không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến sức khỏe của công nhân đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, khiến 1.386 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4/2016, đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 375 người bị ngộ độc. Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật, bởi thời tiết nóng bức gây ra, cùng với đó là một số trường hợp bị ngộ độc do hấp thụ phải hóa chất tồn dư trong thực phẩm. |