Bỗng thấy nốt ruồi dần biến đổi theo 5 cách này, coi chừng tế bào ung thư đang dần len lỏi trong cơ thể
- Bác sĩ
- 14:10 - 26/06/2020
Cơ thể chúng ta luôn có những phản ứng để nhận biết tình trạng sức khỏe đang tốt hay xấu, đặc biệt là bệnh ung thư. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra sớm nên thường chủ quan bỏ qua, đến khi phát hiện thì tình trạng đã tiến triển lên giai đoạn nặng.
Mới đây, chương trình Loose Women đã chia sẻ về trường hợp ung thư của phát thanh viên kiêm nhà báo nổi tiếng Janet Street-Porter. Cụ thể, sau khi từ Úc trở về nhà sau tiệc Giáng sinh vừa qua thì cô phát hiện trên mũi mình có cục u lạ hệt như nốt ruồi. Dù không biết rõ nhưng cô nghĩ đó chỉ là vết muỗi đốt nên đã tặc lưỡi bỏ qua.
Tuy nhiên, cục u đó bắt đầu biến chuyển bất thường nên Janet dần cảm thấy lo lắng. Cô đến bệnh viện kiểm tra thử thì phát hiện đó không phải vết muỗi đốt, mà chính là ung thư biểu mô tế bào đáy – nếu không phẫu thuật sớm sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
"Khi phát hiện cục u đó là ung thư, tôi đã khóa điện thoại tận mấy ngày vì quá lo sợ. Chưa kể dù có điều trị thành công thì trên mặt cũng xuất hiện một vết sẹo lớn. Chỉ vì chủ quan một chút mà giờ tôi phải khổ sở thế này" – Cô Janet chia sẻ trên chương trình.
Theo Matthew Gass, bác sĩ thuộc Hiệp hội bác sĩ da liễu Anh cho hay, những loại cục u ung thư có hình dạng hệt như nốt ruồi bình thường nên rất dễ bị bỏ qua. Chưa kể, nó nhìn ngoài thì không lớn nhưng vẫn di căn mạnh phía dưới da và gây bệnh. Thế nên một khi trên cơ thể xuất hiện những nốt ruồi lạ thì hãy cảnh giác, bởi ung thư có thể đã "tàn phá" bạn rồi đấy.
1. Nốt ruồi như một mảng lớn màu đen: U hắc tố ác tính
Theo thống kê, khoảng 70% các trường hợp ung thư của người Anh đều xuất phát từ các khối u hắc tố ác tính. Càng ngày số lượng người mắc bệnh này càng nhiều, chỉ riêng 10 năm từ 1970 – 1980 thì số bệnh nhân đã tăng lên gấp đôi ở châu Úc. Bệnh thường xuất hiện ở những người có làn da nhợt nhạt và bị tàn nhang.
Loại u hắc tố này thường có xu hướng lan rộng mảng đen ra hơn là ăn sâu vào cơ thể. Nhưng nếu "xui xẻo" thì chúng sẽ lan sâu vào trong người và ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Do vậy một khi thấy nốt ruồi cứ ngày càng "bành trướng" ra thì phải đi khám ngay.
2. Nốt ruồi như bị sưng to: Khối u ác tính
Các khối u ác tính thường phát triển sâu dưới da rất nhanh, đến nỗi chỉ cần phát hiện trễ một chút thôi là rất khó cứu chữa. Chúng thường xuất hiện trên da như một nốt ruồi to hoặc như vết muỗi đốt, nếu bệnh trở nặng thì màu sẽ chuyển dần từ đen sang đỏ chỉ trong thời gian ngắn.
Các khối u ác tính ngoài da thế này thường xuất hiện ở đầu, cổ, ngực hoặc lưng. Triệu chứng phổ biến của chúng là hay rỉ nước hoặc chảy máu bất thường. Thế nên nếu phát hiện sớm thì hãy đến gặp bác sĩ ngay, bằng không nó sẽ di căn sang các cơ quan khác và gây ung thư ngay lập tức.
3. Nốt ruồi loang ra rộng: U hắc tố ác tính tại chỗ Lentigo maligna
Loại nốt ruồi ác tính này thường khởi đầu bằng một mảng da sẫm màu lan rộng dần ra ngoại vi, sau vài năm sẽ đậm dần lên. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trên bất kỳ vùng da nào tiếp xúc với ánh sáng, nhưng rất thường gặp ở phụ nữ từ 40 – 50 tuổi.
Ở những giai đoạn đầu, chúng hệt như một đốm tàn nhang nhưng lớn hơn, tối hơn và nổi bật hơn những vết tàn nhang bình thường. Chưa kể bệnh diễn biến rất chậm, màu đậm lên cũng chậm nên ít gây chú ý, đến khi chuyển thành ung thư xâm lấn thì đã quá muộn. Vậy nên hãy đi khám ngay một khi nốt ruồi đột nhiên tăng kích thước, tăng độ cứng, tăng độ sậm da và nhất là chảy máu.
4. Nốt ruồi sưng đỏ lên và bị tổn thương: Ung thư biểu mô tế bào đáy
Theo nghiên cứu, khoảng 70% các bệnh nhân ung thư da đều bắt nguồn từ ung thư biểu mô tế bào đáy. Nó là loại ung thư ác tính xuất hiện dưới dạng vết sưng hơi trong suốt hoặc đỏ sậm trên da, xảy ra nhiều nhất ở các khu vực da có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như đầu và cổ.
Bệnh thường tiến triển chậm, tổn thương có thể lan rộng, gây biến dạng và làm rối loạn chức năng của một số cơ quan như mũi, miệng và mắt. Nếu được điều trị ngay ở giai đoạn đầu thì hoàn toàn có thể chữa khỏi. Nhưng nếu phát hiện trễ, chúng sẽ di căn xuống sâu da và ăn vào xương làm nguy cơ cứu chữa thấp đi.
Một vài dấu hiệu của ung thư biểu mô tế bào vảy trên da dưới dạng nốt ruồi thường là:
- Trông khá mịn màng như ngọc trai.
- Nhìn giống cục sáp hoặc có thể như một cục cứng màu đỏ.
- Đôi khi có chảy máu.
- Xuất hiện vảy hoặc vỏ ở bên ngoài.
- Không bao giờ lành hoàn toàn.
- Hay bị ngứa.
- Nhìn như một đốm đỏ phẳng phiu có vảy giòn.
- Nốt ruồi phát triển thành vết loét không đau.
5. Nốt ruồi có vảy và bị loét: Ung thư biểu mô tế bào vảy
Đây là một dạng ung thư nguy hiểm do tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào vảy hoặc các tế bào biểu bì. Chúng chiếm vị trí thứ hai về mức độ phổ biến của ung thư da, chỉ xếp sau ung thư biểu mô tế bào đáy. Những tế bào ung thư loại này thường được phát hiện ở mặt, cổ, da đầu hói, cánh tay, mu bàn tay và chân.
Tuy bệnh phát triển ở những khu vực có tiếp xúc với ánh nắng là nhiều, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, chúng cũng "làm tổ" ở trong miệng, hậu môn hoặc ngay phía trên cơ quan sinh dục cả hai giới. Khi mắc bệnh, trên cơ thể sẽ xuất hiện những nốt ruồi với đặc điểm như sau:
- Là một mảng đỏ hoặc bị tổn thương với một lớp vỏ có vảy.
- Loét bên trong miệng.
- Hay bị chảy máu liên tục.
Tóm lại, một khi nốt ruồi bắt đầu biến chuyển bất thường thì bạn cần phải cảnh giác cao độ để tránh mắc ung thư. Bạn nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ phát hiện sớm nhất những bất thường trên da. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể chụp ảnh lại các nốt ruồi và so sánh chúng theo thời gian.