Bốn ý tưởng giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông
- Tây Y
- 23:56 - 11/03/2017
“Đường thông minh” – đáp số cho bài toán ùn tắc giao thông
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Bùi Văn Khoa (tỉnh Gia Lai) đề xuất ý tưởng làm “đường thông minh” để giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh.
“Đường thông minh” theo lý giải của ông Khoa là đường có thể chạy được, chuyển tải số lượng khách rất lớn từ nơi này tới nơi khác, đặt biệt chuyên chở được cả người già, trẻ em, người khuyết tật và những hành lý gọn nhẹ; tương tự hệ thống băng tải khách trong các siêu thị, sân bay... song không giới hạn trong khuôn viên nhỏ hẹp.
“Đường thông minh” được sử dụng bằng điện nên sẽ rất thân thiện với môi trường, đồng thời lại an toàn, văn minh, không tốn thời gian xếp hàng chờ đợi.
Đường được thiết kế thành hệ thống nhiều làn đường song song chuyển động theo các cấp độ khác nhau từ 0km/h – 5km/h – 12km/h – 20km/h… Có thể kết nối với mọi phương tiện như xe buýt, tàu điện ngầm, nhà ga bến tàu, trường học, khách sạn, khu dân cư, siêu thị, khu vui chơi giải trí…
Ông Khoa cho rằng, các kỹ sư của Việt Nam hoàn toàn có thể tự thiết kế được “đường thông minh” mà không phải nhập thiết bị từ nước ngoài nên chi phí sản xuất và vận hành sẽ thấp rất nhiều. Đường sẽ được thiết kế gọn gàng, nằm cao trên đường giao thông hiện hữu, không làm ảnh hưởng đến quy hoạch dọc tuyến đường, thuận lợi khi khai thác vận hành.
“Đường thông minh” cũng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Khi những con “đường thông minh” được kết nối đồng bộ trên toàn tuyến giao thông trong Thành phố, thì người dân sẽ tự hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân mà không cần quy tắc, chế tài, rào cản.
Theo ông Khoa, trước tiên có thể áp dụng để giảm ùn tắc khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, nếu thành công thì nhân rộng toàn Thành phố và hướng tới các đô thị khác.
Giảm tai nạn giao thông qua giám sát hành trình ô tô
Ông Mai Thu Đông (tỉnh Đồng Nai) đề xuất ý tưởng giám sát ô tô để giảm thiểu tai nạn giao thông thông qua công nghệ cảm biến và hạ tầng thông tin liên lạc.
Ý tưởng ông Đông đưa ra là ô tô khi tham gia giao thông trên các tuyến đường là quốc lộ và cao tốc phải đạt tiêu chuẩn ô tô thông minh và người điều khiển phải có giấy phép lái xe điện tử.
Theo đó, chuẩn ô tô thông minh là phải có Hộp giám sát hành trình, là một máy tính, có phần mềm cần thiết để hỗ trợ người điều khiển, giám sát hành trình của phương tiện. Hộp được kết nối với các bộ cảm biến của xe và camera hành trình, lưu trữ thông tin tình trạng kỹ thuật và hoạt động của phương tiện.
Giấy phép lái xe điện tử hoạt động như thẻ SIM của điện thoại di động và gắn vào Hộp giám sát hành trình trong thời gian phương tiện tham gia giao thông. Nếu không có giấy phép lái xe điện tử thì ô tô sẽ không di chuyển được trên những đường quy định chuẩn ô tô thông minh tham gia giao thông.
Khi người điều khiển ô tô khởi động máy, Hộp giám sát hành trình sẽ nhận diện tình trạng của ô tô qua cảm biến. Trong quá trình tham gia giao thông, nếu ô tô có những yếu tố phát sinh không bảo đảm an toàn thì Hộp giám sát sẽ cảnh báo rồi tự động chuyển vào lề.
Nếu người điều khiển phương tiện vi phạm luật, Hộp giám sát hành trình sẽ gửi thông tin (kèm hình ảnh) về máy tính cơ sở dữ liệu giao thông của cơ quan chức năng. Người điều khiển sẽ nhận được thông báo vi phạm nhưng vẫn được phép điều khiển phương tiện, sau khi thông báo lỗi phạt, nếu sau 48 giờ không nộp phạt thì Giấy phép lái xe sẽ bị máy tính khóa lại không thể sử dụng cho bất cứ phương tiện giao thông tiếp theo.
Khi có Hộp giám sát hành trình thì vận tốc của phương tiện sẽ được linh động hơn so với quy định. Đồng thời, nếu tải trọng của ô tô cao hơn mức cho phép thì Hộp giám sát hành trình sẽ không cho ô tô di chuyển vào đường giao thông. Đối với các nút giao cắt đường sắt, khi tàu hỏa đến gần, Hộp giám sát hành trình của tàu hỏa sẽ gửi tín hiệu đến các xe đang hoạt động gần giao lộ.
Khi có quy định mới về hoạt động giao thông, thì trung tâm máy tính sẽ gửi thông tin đó dưới dạng ngắn gọn đến Hộp giám sát hành trình để thông báo cho chủ xe và người điều khiển phương tiện được biết.
Khi hệ thống khám chữa bệnh trong cả nước được số hóa thì mọi thông tin sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông đều được gửi đến cơ sở dữ liệu của Cảnh sát giao thông. Tùy vào điều kiện sức khỏe của người đã được cấp phép, máy tính có thể bật, khóa Giấy phép lái xe điện tử hoặc hạn chế các hoạt động của phương tiện như hạn chế tốc độ… ngoài ra nếu người lái có nồng độ cồn trong hơi thở quá quy định thì máy tính cũng sẽ không cho xe hoạt động.
Ý tưởng của ông Đông được xây dựng dựa trên các phần mềm đã có, nếu áp dụng thì chỉ cần tổng hợp lại và phát triển cho phù hợp.
Thu phí giao thông qua điện thoại di động
Ông Nguyễn Đức Hoàng (TP. Hà Nội) gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ ý tưởng thu phí và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tự động qua điện thoại di động.
Phương thức thu phí và xử phạt vi phạm giao thông tự động được thực hiện thông qua tài khoản số điện thoại trả trước hoặc trả sau.
Đối với điện thoại trả trước, tài khoản tối thiểu là 3-5 triệu đồng, khi tài khoản trong ngày xuống mức dưới 0,5 triệu đồng thì chủ tài khoản phải nạp tiền vào trước khi lưu hành tiếp, bằng hình thức nạp tiền thông qua nạp thẻ mạng di động. Ô tô trước khi lưu hành phải đăng ký số điện thoại gắn với ô tô và việc thu phí sẽ thực hiện tự động qua điện thoại.
Đối với điện thoại đăng ký trả sau, có địa chỉ đăng ký rõ ràng theo yêu cầu của nhà mạng và đang hoạt động hai chiều.
Khách hàng lựa chọn cách đăng ký cho xe bằng một số điện thoại riêng hoặc đăng ký số tài khoản cho xe kèm theo thiết bị ngoại vi do nhà cung cấp phát hành (có thể là thiết bị hành trình, thiết bị dẫn đường, GPS,...).
Những lỗi vi phạm giao thông sẽ được thông báo tới số điện thoại đăng ký, thông báo xử phạt tự động trừ tiền vào tài khoản, lỗi vi phạm kèm hình ảnh (hoặc mã số truy cập), thông báo thu phí giao thông tự động cho mỗi tuyến đường, hành trình...
Việc xây dựng phần mềm, xây dựng nhà điều hành trung tâm, chi nhánh, lắp đặt cơ sở hạ tầng và trang thiết bị điều hành bằng hình thức BOT.
Về cách thức thu phí, ô tô khi đi qua cổng, thiết bị tự động nhận diện biển số và truyền tín hiệu về tổng đài, tổng đài sẽ bắt đầu tính phí giao thông tùy theo từng cấp đường, loại đường tương ứng với quãng đường của từng loại phương tiện đi qua. Mức thu phí sẽ do Nhà nước quy định.
Sau mỗi quãng đường di chuyển, hệ thống tính tiền trừ trên tài khoản điện thoại và nhắn tin đến số điện thoại đăng ký. Chủ phương tiện nếu cần in hóa đơn thu phí theo các lộ trình thì nhắn tin về số tổng đài để có hóa đơn (điện tử) thông qua hộp thư điện tử hoặc mã số để truy cập vào trang web như hóa đơn chi tiết phí cuộc gọi.
Ứng dụng của hệ thống để xử phạt vi phạm giao thông, khi phát hiện vi phạm, thiết bị tự động sẽ báo đến số điện thoại đăng ký lỗi vi phạm và khoản tiền xử phạt kèm theo mã số vi phạm của phương tiện.
Người vi phạm được phép khiếu nại lỗi vi phạm trong thời gian không quá 7 ngày làm việc thông qua trung tâm giải quyết khiếu nại trên hệ thống tự động hoặc trực tiếp gặp nhân viên xử lý khiếu nại tại các trạm trên toàn quốc. Cú pháp khiếu nại sẽ do nhà mạng của trung tâm điều hành cung cấp và trung tâm sẽ tính tiền cho mỗi lần khiếu nại sai một khoản tiền do Nhà nước quy định. Trường hợp khiếu nại đúng, hệ thống sẽ hoàn lại tiền đã trừ trong tài khoản. Quyền lợi của khách hàng sẽ được một đơn vị kiểm soát độc lập tham gia bảo vệ lợi ích.
Hàng tháng hệ thống tự động sẽ chuyển khoản số tiền thu phí giao thông cho các tổ chức, nhà đầu tư (BOT), quỹ bảo trì đường bộ… Phí xử phạt vi phạm giao thông phân cấp cho các tỉnh hoặc Nhà nước quản lý theo quy định.
Theo ông Hoàng, việc thu phí tự động như nêu trên sẽ giảm tối đa mức độ phiền hà của người tham gia giao thông khi phải dừng xe lại lấy vé và thanh toán tiền, nộp phạt, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, xử phạt chính xác và minh bạch. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành giao thông, minh bạch trong việc thu hồi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.
Hiến kế giải pháp quy hoạch đường
Ông Lê Vĩnh Cẩn (TP. Hà Nội) gửi góp ý liên quan đến vấn đề quy hoạch mạng lưới đường tại TP. Hà Nội để giảm thiểu tình trạng tắc đường và ưu thế hóa hệ thống đường.
Ông Cẩn đưa ra lộ trình mới từ chân cầu Thăng Long đến thẳng cao tốc Bắc - Nam ở Thanh Hóa, vừa tránh được trung tâm nội thành Hà Nội, ít qua các khu dân cư và đoạn đường cũng ngắn hơn.
Lộ trình của ông Cẩn đưa ra chia thành 5 đoạn đường: Chân cầu Thăng Long - Quốc lộ 32; Quốc lộ 32 - cầu Mai Lĩnh; cầu Mai Lĩnh - xã An Thịnh, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; xã An Thịnh - ngã ba quốc lộ 12B và Quốc lộ 45 gần chợ Rịa thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và đoạn đường ngã ba quốc lộ 12B, Quốc lộ 45 - Cao tốc Bắc Nam ở tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Cẩn, nếu có đường mới này, xe từ toàn bộ khu vực phía tây Hà Nội sẽ đi qua để vào Nam nên lưu lượng xe qua lại sẽ rất lớn. Xe các tỉnh từ Phú Thọ trở lên cũng sẽ qua cầu Vĩnh Thịnh ở Sơn Tây đi qua đường Hồ Chí Minh hoặc xe từ Tây Bắc về đi qua Quốc lộ 12B để vào cao tốc Bắc Nam ở Thanh Hóa cũng sẽ đi theo một phần của đường này, do vậy, đường phải làm thẳng và rộng rãi, cự ly xe chạy sẽ giảm đi nhiều.
Khi có đường mới này thì xe từ cầu Thăng Long và từ phía tây nội thành Hà Nội sẽ không cần đi qua đường trên cao để theo cao tốc Bắc Nam đi các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào. Xe từ cầu Nhật Tân và từ phía Tây Nam nội thành Hà Nội có thể theo Quốc lộ 6 để vào đường mới này ở phía đông cầu Mai Lĩnh.
Như vậy đường trên cao từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì sẽ trở nên không cần thiết và ô nhiễm môi trường trong nội thành Hà Nội cũng sẽ giảm bớt. Đường trên cao này có thể xem xét chuyển thành đường sắt trên cao hoặc xe buýt nhanh BRT, đồng thời cho phép ô tô, xe máy lưu thông, như vậy sẽ giảm được ùn tắc giao thông.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã chuyển các góp ý, hiến kế trên đến Bộ Giao thông vận tải để xem xét, nghiên cứu và trả lời công dân.