THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:24

Bom nổ chậm bủa vây khu dân cư

Buông lỏng quản lý

Vụ nổ xảy ra tại Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) mới đây khiến nhiều người dân lo lắng khi rất nhiều cửa hàng, các vựa thu mua phế liệu được hình thành tồn tại giữa khu dân cư...Có mặt tại phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) chúng tôi chứng kiến một dãy nhà tạm chứa các loại phế liệu chất đống từ trong nhà ra lề đường với đủ các loại ve chai, bình hàn khí đá, bình gas cũ, phế liệu chiến tranh. Từ lâu, người dân Hà Nội đã biết đây là nơi của những người buôn bán, thu gom phế liệu ở khu vực nội thành. Hằng ngày, đội quân ve chai rảo khắp các phố phường, ngõ ngách để tìm mua đủ thứ phế thải như giấy vụn, sắt vụn, nhôm, vỏ chai lọ, bọc ni lông. Ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Cầu cho biết, tất cả các hộ thu mua phế liệu ở đây đều không có đăng ký kinh doanh, họ thuê lại đất của 7 hộ dân đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Tại khu đô thị Trung Văn (quận Hà Đông) chưa đầy 3km đã có tới 5 điểm thu mua phế liệu nằm xen kẽ các cửa hàng ăn uống và nhà dân. Một phụ nữ tay vừa đập những lon bia, nước ngọt bằng một chiếc búa con vừa nói: “Những lon bia, chai lọ này được lái buôn đánh xe đến mang về Bắc Ninh tái chế, còn những đồ khác thì tôi không biết, cũng chỉ mang hàng đến cân rồi về chứ chả quan tâm đến việc cháy nổ gì ở đây cả!”.  Khi hỏi về vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ, người phụ nữ này chỉ  cho chúng tôi dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Đó là một chiếc bình xịt nằm co quắp dưới lớp bìa cát tông, xung quanh bừa bộn sắt vụn chưa phân loại, phải cúi sát xuống mới thấy được một phần chiếc bình lộ ra. “Đấy, chỗ chúng tôi tuân thủ quy định về phòng chống cháy nổ lắm”, người phụ nữ chỉ vào chiếc bình xịt quả quyết.

Những điểm thu mua phế liệu nguy cơ gây nổ luôn tiềm ẩn.

Cũng giống như ở Hà Nội, ở các quận, huyện như Lê Chân, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) cũng có rất nhiều người chọn nghề thu mua phế liệu, đồng nát để mưu sinh. Đáng chú ý, các chủ đại lý phế liệu ở đây đều cho biết, họ có ký cam kết về an toàn cháy nổ và không thu mua vật liệu nổ.

Ghé vào cơ sở thu mua phế liệu số 145 Chùa Hàng (phường Hồ Nam, quận Lê Chân), trước đống phế liệu ngổn ngang, bà chủ tên Sơn nói... trấn an: “Không vấn đề gì em ơi. Kho phế liệu của chị đã tồn tại hơn 3  năm, nhưng chưa bao giờ để xảy ra cháy nổ. Còn nếu có cháy thì nhân viên ở kho dùng bình chữa cháy dập tắt liền”.

Nguy cơ cháy nổ cao

Thời tiết bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, nhiều người dân lo ngại hiểm họa cháy nổ rất dễ xảy ra từ các điểm thu mua phế liệu, trong khi đó việc phòng chống cháy nổ ở những nơi này chưa được chú trọng, ít có cơ sở nào trang bị bình chữa cháy. Chị Như sống ở khu vực chợ cóc Văn Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Cửa hàng thu mua đồng nát này nằm cạnh một nhà đổi gas rất nguy hiểm, xung quanh lại là các cửa hàng ăn và chợ”. Ông Bùi Ngọc Tân, Chủ tịch UBND phường Hồ Nam (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Trên địa bàn phường có 4 cơ sở thu mua phế liệu nằm giữa khu dân cư, nhưng vì kinh doanh nhỏ lẻ nên các cơ sở này không đến phường đăng ký.  Vì lo sợ cháy nổ nên phường thường xuyên phối hợp với cơ quan công an tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các chủ vựa đảm bảo an toàn cháy nổ”.

Một cán bộ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.Hải Phòng cho biết, theo quy định, ngoài giấy phép kinh doanh, các cơ sở thu mua phế liệu  phải có giấy cam kết bảo vệ môi trường, hệ thống phòng chống cháy nổ và phải xa khu dân cư. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở vẫn hoạt động khi chưa bảo đảm được các điều kiện này nhưng không bị kiểm tra, xử lý. Do đó, ẩn họa vẫn tồn tại ở các điểm thu mua phế liệu khi nguyên nhân của các vụ tai nạn do bom, mìn ngoài sự hiểu biết hạn chế còn là sự thiếu ý thức, chủ quan của người dân khi tiếp cận với các vật liệu nổ.

Thu Hương - Trần Trung/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh