CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:18

Bồi thường oan sai cho 3 trường hợp với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo

Ngày 8/11, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí đã trình bày báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng VKSND Tối cao.

Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 82,6%

Báo cáo kết quả công tác năm 2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, công tác của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều tiến bộ: Tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội đạt 75,4% (vượt 5,4%); tỷ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,9% (vượt 1,9%); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 82,6% (tăng 23% so với cùng kỳ và vượt 22,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội).

Bên cạnh đó, ngành kiểm sát cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; Tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự.

Báo cáo của cơ quan kiểm sát đã nêu rõ công tác giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự. Theo đó, Viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND Tối cao; chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành kiểm sát khắc phục vướng mắc, sớm giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan.

Đồng thời, ngành kiểm sát đã phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án trong giải quyết bồi thường, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

Theo báo cáo của VKSND Tối cao, trong kỳ, ngành kiểm sát thụ lý giải quyết 26 trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó có 15 trường hợp thuộc trách nhiệm trực tiếp giải quyết của ngành kiểm sát và 11 trường hợp ngành kiểm sát có trách nhiệm tham gia giải quyết.

Cụ thể, đối với 15 trường hợp VKSND Tối cao trực tiếp giải quyết, đã xử lý, giải quyết xong 5 trường hợp. Trong đó, bồi thường xong 3 trường hợp với tổng số tiền là hơn 4,2 tỉ đồng (trường hợp ông Huỳnh Ngọc Bích ở tỉnh Sóc Trăng; các ông Phan Đức Thọ, Nguyễn Hoàng Việt ở tỉnh Hậu Giang).

4

Đối với 2 trường hợp xác định hết thời hiệu bồi thường, VKSND Tối cao đã hướng dẫn Viện Kiểm sát địa phương làm thủ tục xin lỗi, phục hồi danh dự (trường hợp ông Trần Văn Bích ở TP Cần Thơ, ông Dương Văn Hận ở tỉnh Tây Ninh).

Hiện 10 trường hợp đang giải quyết, gồm 2 trường hợp Viện Kiểm sát đang làm thủ tục đề nghị cấp kinh phí chi trả; 6 trường hợp đang thương lượng; 2 trường hợp đang xác minh để tiến hành thương lượng .

Đối với 11 trường hợp VKSND Tối cao có trách nhiệm tham gia giải quyết, hiện Bộ Tài chính cấp kinh phí, địa phương đã chi trả cho người bị thiệt hại 2 trường hợp với số tiền là gần 1,8 tỉ đồng; 2 trường hợp VKSND Tối cao đang làm thủ tục đề nghị cấp kinh phí chi trả; 3 trường hợp tòa án đã xét xử sơ thẩm và đang chờ xét xử phúc thẩm; 1 trường hợp VKSND Tối cao đang đề nghị giám đốc thẩm; 3 trường hợp tòa án chưa xét xử sơ thẩm.

Tiếp tục kiến nghị "đổi mới" chính sách hình sự

Trong kiến nghị, ông Trí nêu lại nội dung đã hơn một lần trình bày trước Quốc hội. Đó là tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung;

Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Viện trưởng nhấn mạnh, hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) nên trong chính sách hình sự cần phân định, có chính sách xử lý phân hoá như trên sẽ hiệu quả, thuyết phục.

Đồng thời, xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm - Viện trưởng kiến nghi. 

Viện trưởng Lê Minh Trí  cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng căn cứ vào nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế để giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành Kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra tội phạm.

Vì, với tính chất công việc tương đồng như nhau nhưng Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều được hưởng chế độ kinh phí chi thực tế.

"Ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự, giảm 4,9% so với năm 2021. Trong đó, đã phát hiện, xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm 7,6%, tội phạm về trật tự xã hội giảm 2,9%; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tổ chức đánh bạc và tội phạm ma túy xảy ra nhiều với quy mô rất lớn. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, 37,6%; đáng lưu ý, một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Toàn ngành đã kiểm sát việc thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 9.020 vụ án hành chính (tăng 11%); 416.990 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 2,2%). Nội dung các vụ việc hành chính chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai; các vụ việc khác liên quan đến hợp đồng vay tài sản, quyền sử dụng đất, hôn nhân và gia đình,...", Viện trưởng báo cáo.

Thành Công - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh