THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:41

Bối rối vì con hỏi: "Tặng tiền cho cô giáo làm gì hả mẹ?"

 

Tiền này để làm gì hở mẹ?

Câu hỏi của đứa con 8 tuổi khiến chị Hằng, (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bối rối, không biết trả lời con ra sao cho phải. Chị chuẩn bị một bó hoa và chiếc phong bì để con trai đem đến tặng cô nhân ngày 20/11.

Khi thấy chiếc phong bì bên trong có tiền, con trai liền hỏi mẹ “tiền này để làm gì hở mẹ?”. Chị nghĩ con trai còn nhỏ tuổi cũng chỉ hỏi cho vui nên bảo con là “để tặng cô”. Con trai lại hỏi tiếp “nhưng con thấy bạn Hiệp có tặng tiền đâu, bạn chỉ tặng hoa thôi mà”. Chị không biết trả lời sao, liền bảo “tặng cô thứ này cô sẽ thích”.

 

Ảnh minh họa.


Đó là một trong số ít các tình huống dở khóc dở cười của cha mẹ khi chuẩn bị “quà cáp” cho con chúc mừng thầy cô nhân ngày hiến chương nhà giáo. Hầu hết các bậc phụ huynh đều bối rối trước câu hỏi của trẻ về chiếc phong bì tặng cô. Có phụ huynh thì giải thích cho con hiểu mục đích tặng, có người lại tìm cách đánh trống lảng không trả lời hoặc nói dối con.

Chị Vân Anh, (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, nếu phụ huynh muốn tặng thầy cô phong bì thì tốt nhất nên kẹp vào quà để con không thấy. Bởi chị cho rằng không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc sớm đồng tiền.

“Tôi thấy tặng bó hoa với phong bì thì hơi trơ, nên mua một món quà nhỏ rồi kẹp phong bì vào trong đó, vừa kín đáo tế nhị vừa không ảnh hưởng đến con trẻ”, chị Vân Anh chia sẻ.

Vị phụ huynh khác thì cho rằng, nếu con hỏi thì anh sẵn sàng giải thích cho con là chiếc phong bì đó để làm gì. Anh sẽ nói với con là vì cha con mình không biết mua gì hợp với cô, nên số tiền này là để cô mua những gì cô thích.

Tốt xấu còn tùy vào mục đích sử dụng

Theo TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, tốt nhất là con trẻ không nên biết chuyện “chiếc phong bì” cha mẹ tặng cô. Tuy nhiên, nếu con biết và đặt câu hỏi thì người lớn phải nói cho con hiểu đây chỉ là một trong những cách bày tỏ tấm lòng với thầy cô giáo, cũng là cách để giáo dục cho con lòng biết ơn với người đã chăm sóc cho chính mình.

“Phong bì hay bất kể món gì cũng chỉ trở nên tồi tệ nếu người sử dụng nó đã dùng với mục đích xấu, mờ ám mà thôi. Nếu vẫn phong bì đó nhưng phụ huynh chỉ dùng để bày tỏ tấm lòng biết ơn với cô giáo thì sẽ khác hẳn với mục đích sử dụng phong bì cho việc xin điểm, nâng đỡ con cháu mình và các hành động xấu xa khác.

 

Ảnh minh họa.


Ngày xưa, thày đồ dạy học cũng sống bằng chính những món quà vật chất mà phụ huynh biếu tặng, nhưng cấm có đứa trẻ nào dám coi thường thày đồ. Roi vọt, lời mắng, phạt,… và luôn luôn đáp lại vẫn là những tấm lòng biết ơn trân trọng mà đứa trẻ dành cho thày giáo của mình”, cô Hương chia sẻ.

Nữ tiến sĩ sư phạm bày tỏ rằng, cha mẹ đừng đặt nặng chuyện phong bì, quà cáp bởi các thầy cô giáo cũng không quá quan tâm đến nó.

“Một năm có duy nhất 1 ngày, cho tặng họ đến cả trăm cái phong bì thì cũng không làm họ giàu hơn được. Điều quan trọng giáo viên cần là phụ huynh biết cảm thông, chia sẻ gánh nặng giáo dục trẻ với các cô. Còn trong ngày lễ này, nói câu gì thì cô cũng vui lòng cả, miễn là những câu nói từ tận đáy lòng”, cô Hương nói.

Cô Hương bộc bạch rằng, cô chưa bao giờ nhận phong bì trong ngày 20/11. “Là một giảng viên dạy cho các sinh viên mà phần lớn là nhà nghèo, các em phải vừa đi học vừa gia sư kiếm ăn, lấy đâu ra tiền mà đi thày cô chứ. Ngày này, cả lớp các em chung nhau mua cho tôi một bó hoa. Nhiều lớp lại tặng trước cả tuần vì tuần đó là tuần dành cho các hoạt động nghiệp vụ sư phạm, các em cũng bận lắm. Nhưng tôi rất vui vả cảm động.

Thật ra, món quà mà tôi nhớ nhất không phải là hoa hay quà mà chỉ là một tin nhắn từ một học viên cũ đã học tôi cách đó cả chục năm: Cô ơi, em nhớ cô. Từ trái tim đến trái tim, mỗi năm tôi đều nhận được hàng chục những lời nhắn gửi yêu thương ấy và chính những tình cảm này đã giúp tôi vượt qua hàng ngàn khó khăn trong công việc và cuộc sống”, cô nói.

“Tôi vẫn nhớ ngày tôi còn nhỏ xíu, theo chân mẹ đến thăm cô giáo với một bọc cam. Ngày đó còn được gọi tếu là ngày Hiến cam các nhà giáo. Một chút hoa quả bày tỏ lòng biết ơn là thứ cô quý chứ tôi nhớ nhà cô đầy ¼ là cam, không hiểu cô sẽ ăn sao cho hết chỗ cam đó.

Nhưng dù sao thì cứ đến ngày đó, toàn bộ tình cảm và niềm vui của chúng tôi hướng về phía các thày cô và tôi biết đó là niềm vui lớn nhất của mọi nhà giáo”, cô Hương chia sẻ thêm.

Theo KIM MINH / vietnamnet.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh