Bội chi quỹ BHYT, quyền lợi của người bệnh vẫn được đảm bảo
- Sức khỏe
- 13:51 - 08/10/2017
Quỹ BHYT vẫn đảm bảo đủ chi cho KCB đến năm 2019
Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2016, số người tham gia BHYT là 75,91 triệu người, tăng 6,25 triệu người (tương đương với 8,5%) so với năm 2015, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 81,9% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT chưa thực sự bền vững do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng chiếm tỷ lệ cao (65,2%). Đây là thách thức và cần có giải pháp đối với các đối tượng như thoát nghèo, không còn là đối tượng cận nghèo khi không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Năm 2016 quỹ BHYT năm 2016 mất cân đối thu - chi là 831 tỉ đồng, nhưng tính đến hết năm, quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT đã bù đắp và số dư còn hơn 47.000 tỉ đồng. Dự kiến cuối năm nay, quỹ dự phòng còn hơn 38.000 tỉ đồng và năm 2018 còn 23.410 tỉ đồng. Với nguồn kinh phí này, quỹ đủ cân đối ít nhất là đến hết năm 2019.
Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, bội chi quỹ BHYT có nhiều nguyên nhân như: mức đóng BHYT từ năm 2008 đến nay không thay đổi; giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh, tính thêm tiền lương, phụ cấp, điện nước… làm chi phí tăng; do quy định “thông tuyến” dẫn đến tình trạng người bệnh đi khám nhiều lần tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong cùng 1 ngày; tình trạng người bệnh đi khám để lấy thuốc, nhân viên y tế sử dụng thẻ BHYT của người bệnh khác để lập hồ sơ khống; chỉ định dịch vụ kỹ thuật vượt mức cần thiết – chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú khi chưa cần thiết, kéo dài ngày điều trị…
Để khắc phục tình trạng này, hiện Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý các trường hợp lạm dụng quỹ BHYT; ban hành quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật hướng dẫn điều trị, làm căn cứ để thầy thuốc chỉ định đúng, cơ quan giám định bảo hiểm có căn cứ để giám định, ngăn chặn tình trạng lạm dụng BHYT. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ nâng mức đóng BHYT để bảo đảm đủ chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Dù Quỹ BHYT đang bội chi nhưng quyền lợi của bệnh nhân vẫn được đảm bảo
Theo ông Phan Văn Toàn, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, cân đối thu chi trong năm. Khi thiết kế chính sách đã có quy định dành tối thiểu 5% số thu BHYT để dự phòng. Trong năm 2016 và dự kiến 2017, Quỹ BHYT trong năm bị bội chi. Tuy nhiên, do có Quỹ dự phòng nên Quỹ BHYT vẫn bảo đảm đủ chi cho KCB BHYT đến hết năm 2019. “Đảm bảo cân đối Quỹ BHYT là nhiệm vụ của các cơ quan Nhà Nước. Việc của bệnh viện là phải chỉ định hợp lý, hiệu quả. Việc của cơ quan BHXH là chi đúng, chi đủ. Người bệnh vẫn được đảm bảo quyền lợi theo đúng quy định khi đi khám” - ông Toàn nhấn mạnh
Đi khám bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào cũng được thanh toán BHYT
Hiện nay, với quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, những trường hợp không sinh sống tại nơi khám chữa bệnh ban đầu theo BHYT đã đăng kí đều có thể đến khám chữa bệnh ở bất kì bệnh viện tuyến huyện nào của các tỉnh, thành đều được quỹ BHYT thanh toán 100% theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng. Trường hợp các bệnh viện tuyến huyện không đủ khả năng thì có thể chuyển lên tuyến cao hơn.
Trước thắc mắc của nhiều người dân về việc người bệnh có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến vẫn phải đóng thêm một số chi phí ngoài danh mục thanh toán của BHYT, ông Phan Văn Toàn giải thích:Theo quy định, các thuốc men, tiền công và những vật tư trong danh mục của các kỹ thuật được BHYT phê duyệt sẽ được quỹ BHYT thanh toán. Tuy nhiên, hao mòn máy móc, hạ tầng và những vật tư ngoài danh mục thì BHYT chưa thanh toán. Nếu những khoản mục này do nhà nước đầu tư thì người bệnh sẽ không phải chi trả. Tuy nhiên, một số kỹ thuật được triển khai do đầu tư máy móc xã hội hóa thì người bệnh phải chi trả phần hao mòn theo quy định được phê duyệt. Việc chi trả này là tự nguyện, nhân viên y tế có trách nhiệm thông báo cho người bệnh. Trong trường hợp người bệnh không đồng ý sẽ vẫn được điều trị nhưng theo phương pháp khác và không sử dụng các trang thiết bị máy móc này.
Về việc chi trả khi khám vượt tuyến, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết hiện tại các bệnh viện tuyến quận huyện đã được thông tuyến nên khi đi khám tại bất kỳ bệnh viện nào cũng được thanh toán như đúng tuyến.
Với tuyến tỉnh và trung ương hiện chưa thông tuyến nên chỉ với những trường hợp cấp cứu mới được giải quyết chế độ như đúng tuyến. Tình trạng cấp cứu là tình trạng cần cứu chữa khẩn cấp. Nếu không được cứu chữa có nguy cơ tử vong hoặc di chứng không hồi phục.Thông thường, các biểu hiện như: suy hô hấp (khó thở nặng), sốc hoặc đe dọa sốc (tụt huyết áp), hôn mê, sốt cao co giật...là những dấu hiệu cấp cứu dễ nhận biết nhất đối với bệnh nhân.Trên cơ sở thăm khám bệnh nhân, bác sĩ sẽ xác định là bệnh nhân có nguy cơ bị đe dọa tính mạng hoặc di chứng không hồi phục hay không để xác định bệnh nhân có trong tình trạng cấp cứu hay không.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Những điều cần biết để bảo vệ sức khỏe khi tập luyện ngoài trời
Tập thể dục mùa hè nhưng cũng đừng quên bảo vệ mình khỏi nắng nóng nhé. Uống đủ nước, chọn thời điểm mát mẻ, mặc đồ thoáng mát, bôi kem chống nắng, lắng nghe cơ thể và điều...
5 tháng trước
Tin nên đọc