THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:18

Cả nước bội chi khoảng 3.400 tỷ đồng tiền Quỹ bảo hiểm Y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

6 tháng bội chi 3.400 tỷ tiền Quỹ bảo hiểm Y tế

Theo báo cáo của Đoàn công tác, tính đến nay độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) của cả nước là 79%. Về vấn đề sử dụng Quỹ BHYT, thì trong 6 tháng đầu năm, cả nước bội chi khoảng 3.400 tỷ đồng, trong đó tỉnh bội chi cao nhất là 300 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bội chi được cho là do Thông tư 37 cho thông tuyến đã có hiệu lực và do phát triển kỹ thuật.

Tại Thừa Thiên Huế, tính đến hết ngày 30/9, toàn tỉnh có 1.070.040 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ độ bao phủ là 93%, vượt 4% so với kế hoạch được Chính phủ giao là 89% và cao hơn khoảng 14% so với bình quân cả nước. Trong đó, số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện/thị xã/thành phố và tương đương chiếm tỷ lệ 30,4%; tuyến xã/phường/thị trấn chiếm 58,1%.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Thừa Thiên Huế bội chi 56 tỷ đồng tiền Quỹ bảo hiểm Y tế. Đây được cho là địa phương nằm trong nhóm bội chi thấp và bằng bình quân cả nước cũng như đúng với dự báo.

Riêng Bệnh viện Trung ương Huế thuộc Bộ Y tế, số tiền bội chi về sử dụng Quỹ bảo hiểm Y tế là 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức bội chi này theo Đoàn công tác là không có gì bất thường. Bởi với năng lực hiện nay, đáng lý Bệnh viện cần được cấp khoảng 100.000 thẻ thay vì chỉ có 14.000 thẻ bảo hiểm Y tế.

Số cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế vẫn cao

Theo Ths. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, thì số liệu theo dõi kết quả quản lý thông tin phản ánh đến đường dây nóng (1900 – 9095) của Bộ từ các cơ sở y tế tại Thừa Thiên Huế trong 10 tháng đầu năm 2016 tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tổng số đã có 57 cuộc gọi đến, trong đó có 42 cuộc được giải quyết và 15 cuộc quá thời hạn.

Trong tổng số 57 cuộc gọi, có 18/57 (chiếm 32%) cuộc gọi phản ánh về quy trình chuyên môn: không đúng quy trình, về giờ giấc làm việc; 10/57 (chiếm 18%) cuộc gọi phản ánh về thái độ làm việc của các y bác sỹ: không quan tâm, thờ ơ, không hướng dẫn người bệnh chu đáo; phản ánh về cơ sở vật chất có 8 cuộc (chiếm 14%).

Tuy nhiên, nếu so với năm 2015, số cuộc gọi phản ánh về vấn đề viện phí mà chủ yếu là chế độ BHYT đã giảm một cách rõ rệt. Năm 2015, có 35/110 cuộc gọi phản ánh vấn đề này thì trong 10 tháng đầu năm 2016 chỉ có 2 cuộc gọi.

Riêng tại Bệnh viện Trung ương Huế, 10 tháng đầu năm 2016 có 45 cuộc gọi phản ánh đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế, trong đó có 36 cuộc được xử lý và 9 cuộc gọi quá hạn báo cáo. Trong tổng số 45 cuộc gọi này, số cuộc gọi phản ánh về quy trình là 10 cuộc (chiếm 22%); gọi phản ánh về thái độ có 9 cuộc (chiếm 20%) và gọi phản ánh về cơ sở vật chất là 8 cuộc (chiếm 15,5%).

Thừa Thiên Huế sẽ hình thành loại hình dịch vụ khám chữa bệnh gắn với du lịch

Theo số liệu thống kê thì hiện nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 730 bệnh viện, trung tâm, trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh lớn nhỏ, trong đó có 1 bệnh viện đa khoa Trung ương hạng đặc biệt và 1 bệnh viện đa khoa Trung ương. Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: trong thời gian tới, Thừa Thiên- Huế sẽ thực hiện việc đa dạng hóa các các loại hình khám chữa bệnh, phát triển một số lĩnh vực y học chất lượng cao, y học mũi nhọn phù hợp với điều kiện và khản năng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Mặt khác, sẽ điều chỉnh phân tuyến kỹ thuật theo hướng mở rộng dịch vụ, kỹ thuật y tế, đặc biệt là ở tuyến dưới, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ở nơi gần nhất.

Cũng tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Y tế, phía tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đề xuất việc xây dựng các gói y tế, khám chữa bệnh kết hợp với du lịch. Đây là loại hình dịch vụ mới và đã được các nước như Thái Lan, Singapore áp dụng rất thành công. Trong đó, việc hình thành các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện y học cổ truyền và lấy Bệnh viện Trung ương Huế làm đầu mối được xem là trọng tâm.

Trong di sản triều Nguyễn để lại cho vùng đất Cố đô, Thái y viện là một tài sản vô giá. Việc phục hồi Thái y viện đã được đưa lên bàn nghị sự của lãnh đạo tỉnh từ nhiều năm nay, với mục đích chấn hưng những giá trị truyền thống về y học cổ truyền, góp phần đưa Thừa Thiên- Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Trong đó, đã lưu ý phục hồi Thái y viện trở thành một thương hiệu độc đáo, là địa chỉ KCB, gắn kết với du lịch. Dịp Festival Huế 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Hội Đông y tỉnh phối hợp tổ chức không gian Thái y đường tại khuôn viên Phủ Nội vụ - Đại Nội Huế. Tại không gian này, các bác sĩ, lương y thuộc Hội Đông y tỉnh đã tái hiện hình ảnh của các vị Thái y triều đình ngày xưa bắt mạch, bốc thuốc cho du khách theo đúng trình tự mà các thái y, ngự y xưa đã làm, tạo điểm hẹn ấn tượng thu hút du khách gần xa.

Phát biều kết thúc buổi làm việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, Bộ trưởng cũng mong Thừa Thiên- Huế tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được để xây dựng ngành Y tế địa phương cũng như cả nước ngày càng phát triển nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Bộ trưởng Tiến yêu cầu Thiên Huế không ngừng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ tỉnh nhà cũng như nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hoan nghênh việc xây dựng các gọi dịch vụ y tế gắn với du lịch của Thừa Thiên- Huế, tuy nhiên địa phương cũng nên chủ động kêu gọi vốn đầu từ, xã hội hóa trong cách làm.

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh