CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:46

Phó tổng cục DS-KHHGĐ: Sinh bao nhiêu con là quyền người dân

 

Phó tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân

 

Đây là khẳng định của Phó tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân tại buổi thông tin với báo chí chiều ngày 17/10 liên quan đến 2 nghị quyết của TƯ về y tế.

Hơn 8% người được hỏi muốn có nhiều hơn 3 con

Ông Tân cho biết, trong dự thảo nghị quyết về dân số, Nhà nước sẽ không đặt vấn đề tiếp tục giảm sinh.

Thay vào đó trước mắt duy trì mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, vận động giảm sinh ở vùng có mức sinh cao và vận động sinh đủ 2 con ở nơi có mức sinh thấp, đảm bảo quy mô dân số năm 2030 ở mức 104 triệu người, năm 2049 đạt 113-115 triệu người.

Trước câu hỏi có cho phép sinh 3 con ở nơi có mức sinh thấp, ông Tân khẳng định: “Đã không có quy định thì không bỏ quy định. Đó là quyền của người dân nên không có khống chế, không có yêu cầu người dân được sinh bao nhiêu con”, ông Tân nhấn mạnh.

Ông Tân giải thích, kể từ nghị quyết dân số năm 1993 đến nay, về mặt luật pháp, Nhà nước không có quy định khống chế người dân được sinh bao nhiêu con, trừ nhóm đối tượng đảng viên.

Trước 2008, từng địa phương ra quy định cụ thể với nhóm đảng viên. Nhưng từ 2008, TƯ đã có quy định 94, thống nhất hình thức kỷ luật, cụ thể nếu đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo, thứ 4 bị khai trừ. Đến 2013, quy định này tiếp tục được nới lỏng, sinh con thứ 5 mới bị khai trừ.

Ông Tân cho biết, nghị quyết nói rõ sẽ tiếp tục có lộ trình, từng bước sửa đổi các quy định xử lý vi phạm về mức sinh với đảng viên. Hiện tại còn 7 tỉnh có quy định này.

Trước lo lắng tỉ lệ sinh tại VN sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới, ông Tân cho rằng, VN không để mức sinh xuống quá thấp mới điều chỉnh chính sách, nên không lo giống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản...

Ông Tân thông tin thêm, trong khảo sát mới nhất với 700.000 người, có trên 8% vẫn muốn có nhiều hơn 3 con, 9,3% muốn có 3 con, 73% muốn có 2 con và 8,3% muốn có 1 con.

“Nếu trường hợp tỉ lệ sinh tiếp tục giảm, TƯ sẽ có điều chỉnh các chính sách tiếp theo. Tuy nhiên trường hợp mức sinh tăng lên thì chưa thấy có dự liệu”, ông Tân thông tin.

Ông Tân cho biết, VN là một trong 15 nước mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Tình trạng này ở nước ta diễn ra muộn, sau các nước hơn 30 năm nhưng tăng nhanh chóng mặt. 

Cụ thể, năm 2006, tỉ lệ bé trai/bé gai của VN mới ở mức 109/100 nhưng đến 2012 lên 112,3/100, năm 2015 lên 112,6/100 và hiện tại xấp xỉ 113 bé trai/bé gái.

Trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng lên tới 115 bé trai/100 bé gái. Riêng các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, con số này là 122/100. Với tốc độ hiện tại, đến 2050, VN sẽ thiếu ít nhất 2,3-4,3 triệu phụ nữ.

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại VN tăng nhanh chóng mặt

 

Ông Tân cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết về dân số, ban đầu Bộ Y tế đề xuất đến năm 2030, tỉ lệ mất cân bằng khi sinh còn 107/100, tuy nhiên sau khi TƯ góp ý đã sửa về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái.

Khi báo chí đặt câu hỏi về tính khả thi, ông Tân giãi bày: “Mình ngành dân số có tài giỏi đến mấy cũng không thể làm được. Cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm thay đổi toàn bộ nhận thức, hành vi của người dân”.

Theo ông Tân, có 3 nguyên nhân chính khiến tỉ lệ mất cân bằng giới tính ngày càng cao: Thứ nhất, ưa thích con trai là nguyên nhân sâu xa, ăn vào máu, vào đầu người dân VN hàng nghìn năm nay; thứ hai, người dân lạm dụng công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính; thứ 3, an sinh xã hội chưa đảm bảo khi về già.

Bên cạnh đó, việc hạn chế mức sinh cũng làm tăng lựa chọn giới tính khi sinh.

Tuy nhiên ông Tân tin tưởng, khi nới lỏng chính sách sinh con, từng bước sửa đổi các quy định về mức sinh với đảng viên, cùng với các giải pháp khác về kinh tế, an sinh xã hội... thì động lực lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm dần.

Nói về câu chuyện Hà Nội tuyên dương các gia đình sinh con gái một bề, ông Tân cho rằng đây mới là thử nghiệm, nên cần thời gian để đánh giá hiệu quả.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh