Bộ Y tế quyết chữa bệnh... lười vận động của người Việt
- Sức khỏe
- 18:15 - 23/02/2019
Bộ trưởng Bộ Y tế (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua phải) cùng các đại biểu, nhân viên y tế cùng tập thể dục giữa giờ tại một hội nghị. Ảnh: D.L
Mắc bách bệnh do lười
Đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Văn Hưng (37 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây anh rất khỏe mạnh, chưa từng biết đau ốm là gì. Nhưng gần đây, anh cảm thấy đau vai, đau lưng, đau khớp. Cân nặng tới 85kg trong khi chỉ cao 1m67 khiến anh cảm thấy vừa di chuyển đã mệt nhọc, thở không ra hơi.
Tuy nhiên, anh cũng vẫn chủ quan không đi khám bệnh. Đến khi dạ dày đau không chịu được, anh mới đi khám. Cầm kết quả bệnh trên tay anh khá ngơ ngác.
“Tôi không ngờ mình nhiều bệnh thế, nào là viêm dây thần kinh vai gáy, sập mấy đốt sống, béo phì, huyết áp cao đến mức báo động, đau dạ dày… Bác sĩ nói các bệnh này đều do lối sống của tôi gây ra” - anh Hưng nói.
Anh Hưng cho biết, anh làm việc văn phòng, phải làm công việc giấy tờ nên ngồi nhiều, ít vận động. Anh cũng thường xuyên phải đi tiếp khách nên ăn nhậu nhiều, uống rượu bia thường xuyên, lúc ăn nhậu còn hay hút thuốc, người mệt mỏi lại càng lười vận động…
Bà Lê Thanh Vân - Phó Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam cho biết, bà và các cộng sự vừa làm một điều tra nhỏ về sức khỏe trên 1000 nhân viên văn phòng. Kết quả cho thấy, khoảng 50% nhân viên gặp các vấn đề: đau lưng, cong vẹo cột sống, đau vai gáy, vẹo cổ, cằm vươn ra phía trước do nhìn màn hình máy tính nhiều. Ngoài ra, nhiều người bị đau cổ tay do đánh máy, bấm chuột vi tính.
"Các vấn đề này nếu không được phục hồi bằng vật lý trị liệu, đồng thời thay đổi các thói quen làm việc, tăng cường các bài tập phù hợp thì đến một ngày người bệnh sẽ bị đau lưng đến mức không chịu đựng được, sụt đĩa đệm xương sống, cong vẹo cột sống... Như vậy năng suất lao động sẽ giảm, chất lượng cuộc sống của các cá nhân cũng giảm sút" - bà Vân nhận định.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay cứ 4 người đi khám thì có 3 người nằm trong nhóm bệnh mãn tính không lây nhiễm. Nhóm bệnh này cũng là thủ phạm của 73% ca tử vong ở nước ta. Bốn loại chính của bệnh mãn tính không lây là bệnh tim mạch (như đau tim và đột quỵ), ung thư, các bệnh về đường hô hấp mãn tính (như tắc nghẽn phổi và hen suyễn) và tiểu đường.
Bên cạnh đó, kết quả thống kê gần đây nhất (2016) của Hội Tim mạch học Việt Nam cho thấy bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam đang gia tăng một cách báo động với tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh lên đến gần 50%. Một nghiên cứu năm 2008 tại 8 tỉnh thành cho thấy, tỷ lệ người trên 25 tuổi mắc tăng huyết áp là khoảng 25%.
Tuy nhiên, kết quả điều tra năm 2015 cũng tại 8 tỉnh thành trên, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 47%. Nguyên nhân chính cũng là do lười vận động, ăn uống không lành mạnh, hút thuốc, rượu bia nhiều…
Theo TS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, những năm gần đây, số người nhập viện do đái tháo đường ngày càng gia tăng, với độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Nếu trước đây bệnh đái tháo đường chỉ xảy ra với người hơn 40 tuổi thì ngày nay trẻ 11-12, thanh niên 17-20 tuổi đều có thể bị đái tháo đường.
“Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống tiêu thụ quá nhiều thực phẩm dẫn đến dư thừa năng lượng và lười tập thể dục” – TS Dương nhấn mạnh.
Bắt đầu từ những cuộc họp giao ban Bộ Y tế
Cùng hơn 100 nhân viên tập xong bài tập thể dục dài 3 phút ngay trong giờ giải lao tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau bài tập, bà cảm thấy sảng khoái, cơ thể bớt trì trệ, mệt mỏi, vai gáy bớt đau nhức, căng thẳng.
Từ đầu năm 2019, Bộ Y tế đã phát động và duy trì việc tập thể dục giữa giờ tại các buổi họp của Bộ. “Chúng tôi sẽ bắt đầu từ những cuộc họp giao ban Bộ Y tế, tiến tới ngày tập 2 lần ngay tại công sở, giữa các buổi họp, chỉ vài phút đứng dậy vận động ngay tại chỗ vẫn mang lại những giá trị hữu ích cho sức khoẻ" - bà Tiến chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, có nhiều bài tập thể dục có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên, Bộ Y tế đã lựa chọn bài tập hơn 3 phút với các động tác cơ bản, nâng cao sức khỏe, đặc biệt bài tập này rất tốt cho những người làm văn phòng, ngồi nhiều đọc nhiều, viết nhiều, dùng máy tính nhiều.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần duy trì bài tập này hai lần trong 1 ngày, sáng giữa giờ khoảng 9 giờ, chiều khoảng 15 giờ, sẽ giúp người lao động có khí huyết lưu thông, tăng sức đề kháng, phòng chống nhiều bệnh mãn tính, có lợi cho mắt, cột sống, hạn chế đau mỏi vai gáy... Bài tập này khá đơn giản, dễ học, dễ thực hiện, bất cứ ngồi, đứng đều tập được, không gian nào cũng tập được.
“Trước mắt, ngành y tế sẽ làm trước tiên phong, phát động phong trào tập thể dục giữa giờ đối với các cơ quan, ban ngành trực thuộc Bộ Y tế, trong các cuộc họp mà bộ chủ trì” – Bộ trưởng khẳng định.