Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương triển khai Chương trình Sữa học đường
- Tây Y
- 12:25 - 29/11/2018
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chương trình sữa học đường tại địa phương. (Ảnh minh họa: KT)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến- Trương Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình sữa học đường vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường triển khai Chương trình sữa học đường.
Bộ Y tế cho biết, ở nước ta, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao (chiếm 23,8%), ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành. Cá biệt vẫn còn nhiều tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%, thậm chí một số tỉnh tỷ lệ này còn cao khoảng 35%.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn số 7125 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sữa học đường” của địa phương và định kỳ báo cáo về Bộ Y tế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương chưa xây dựng Kế hoạch hành động. Trong số các tỉnh có Kế hoạch triển khai cũng chỉ có một số địa phương gửi báo cáo về Bộ Y tế.
Để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường và thực hiện các chỉ tiêu về cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố thành lập Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường tại địa phương do Lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố là Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực là Lãnh đạo Sở Y tế, ủy viên là các Sở, ngành, đơn vị liên quan; khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chương trình sữa học đường tại địa phương và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai Kế hoạch hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Đồng thời giao Sở Y tế làm đầu mối, phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan triển khai. Theo Bộ Y tế, Kế hoạch hành động cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của người dân, điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương cũng như các nội dung cần ưu tiên trong lĩnh vực dinh dưỡng. Tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể triển khai thí điểm hoặc toàn tỉnh; chú ý ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.
Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.