Bộ TT&TT sẽ kiểm tra toàn diện Tiktok
- Tây Y
- 06:30 - 07/04/2023
Chỉ mới bùng nổ tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, thế nhưng Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có đông người sử dụng TikTok nhất thế giới.
Tuy vậy, thời gian gần đây trên mạng xã hội TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan... Khác với Facebook, TikTok gợi ý nội dung cho người xem bằng thuật toán riêng do đơn vị này phát triển. Điều này cũng có nghĩa, các nội dung xấu, thông tin sai sự thật cũng có thể xuất hiện liên tục trước mắt người xem do gợi ý của thuật toán.
Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok. Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5/2023.
Tại buổi họp báo tổ chức ngày 6/4, Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, những năm trước, Cục đã chỉ ra những vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới như: Youtube, Facebook… Gần đây nổi lên nền tảng mới là Tiktok và qua công tác quản lý, Bộ đã phát hiện nhiều vi phạm của nền tảng này.
Tiktok tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2019 và phát triển mạnh trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, việc phát triển này không đi đôi cùng trách nhiệm đối với người dùng. Trước đây, nền tảng này có nhiều nội dung chủ yếu thuần túy giải trí, vi phạm cũng chỉ liên quan đến giải trí. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay trên Tiktok đã có nhiều nội dung vi phạm như xuyên tạc về chính trị, chống phá Đảng và Nhà nước, nhiều thông tin độc hại gây nguy hiểm cho trẻ em, sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán nội dung giật gân, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ và cộng đồng người dùng.
Tiktok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chăn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thậm chí lừa đảo…
Tiktok không quản lý hoạt động của người dùng nên để nhiều người dùng có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hoá nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí tạo xu hướng để thu lời từ những nội dung này. Cụ thể, cho phép thách đấu trực tuyến, người dùng nổi tiếng có thể được người xem tặng quà; càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là Tiktok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được.
Nền tảng này cũng không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư của người khác đăng lên Tiktok tung tin giả, bôi nhọ người khác hoặc nhằm mục đích xấu… Gần đây, nền tảng này có nội dung xuyên tạc về lịch sử Việt Nam, thậm chí đưa ra những thông tin lệch lạc, lệch chuẩn đối với việc chọn nghề, chọn ngành, hướng nghiệp của học sinh, thông tin sai lệch về đọc sách (chỉ nhà nghèo mới đọc sách) hay trào lưu về nhạc chế nhảm nhí…
Thời gian tới, Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông… để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.
Riêng với nền tảng Tiktok, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của nền tảng này tại Việt Nam; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của Tiktok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó cũng sẽ kiểm tra các thuật toán, cách thức, quy trình phân phối nội dung của nền tảng Tiktok.
Thực tế, cả Việt Nam và thế giới đều đang gặp khó trong việc rà quét các nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới này, tuy nhiên, với Facebook và Youtube, Bộ có thể rà quét được vì đã có đánh giá nhiều năm nay.
Với thông tin đề xuất cấm nền tảng Tiktok tại Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do khẳng định, sau khi kiểm tra, Bộ TT&TT sẽ cùng các bộ, ngành đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể. Tất cả các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không tuân thủ thì sẽ không được chào đón hoạt động tại Việt Nam.