Bộ trưởng Y tế thị sát dịch sởi tại TP.HCM, cảnh báo các bà mẹ nên chích ngừa để đảm bảo an toàn
- Sức khỏe
- 00:22 - 10/03/2019
Sáng 9/3, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp đi kiểm tra, giám sát tình hình phòng chống các dịch bệnh như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết... tại một số trạm y tế và bệnh viện lớn trên địa bàn TP.HCM.
Bộ trưởng Y tế kiểm tra tình hình chống dịch bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM.
Sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi và tình hình tiêm vắc-xin sởi tại Trạm y tế phường 15, quận 8, Bộ trưởng tiếp tục đến ngay Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), nơi có rất nhiều trẻ em đang điều trị bệnh tại đây.
Bộ trưởng hỏi thăm phụ huynh bệnh nhân tại khu vực khoa Khám bệnh.
Tại khoa Nhiễm - Thần kinh, bà đến tận giường bệnh, nơi nhiều trẻ khuôn mặt vẫn chi chít những vết ban vì bệnh nặng thăm các cháu nhỏ. Ghi nhận tại đây, nhiều trường hợp phụ huynh có con nhiễm bệnh dưới 9 tháng tuổi, hỏi ra thì cả mẹ và con đều chưa tiêm ngừa.
Thân nhân bệnh nhi nằm dài ngoài hành lang khoa Nhiễm - Thần kinh.
Trong khi đó tại giường bệnh, nhiều bà mẹ lo lắng chăm con bệnh sởi.
Biết được điều này, Bộ trưởng cảnh báo ngay với các bà mẹ rằng hãy đi chích ngừa ngay bởi bản thân không có miễn dịch nên con chưa đến tuổi tiêm mới mắc bệnh. Việc tiêm ngừa không là để bảo đảm an toàn nếu muốn sinh tiếp những đứa con sau.
Bộ trưởng Tiến nhắc nhở các bà mẹ phải sớm chích ngừa sởi.
Thăm khoa Cấp cứu và khoa ICU, Bộ trưởng cũng nhắc nhở lãnh đạo BV Nhi đồng 1 phải chú ý đến vấn đề lây nhiễm mầm bệnh, nhất là khoa ICU vì đây là nơi điều trị bệnh nặng.
Bộ trưởng Y tế kiểm tra tại khoa ICU.
Báo cáo với Bộ trưởng về mùa dịch năm nay, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết đến hết tháng 2/2019, toàn thành phố ghi nhận 4.327 ca sởi.
Số ca sởi bắt đầu tăng từ đầu tuần thứ 36/2018, đạt đỉnh cao nhất vào tuần 4/2019 và hiện đang có xu hướng giảm.
Ba BV lớn ở thành phố là BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt đới chiếm đến 50% số ca toàn miền Nam. Có đến 97% bệnh nhân mắc bệnh không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Thống kê cho thấy toàn thành phố đã có hơn 4.300 ca mắc sởi.
97% bệnh nhân mắc bệnh không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Về nhóm tuổi, 14% dưới 9 tháng tuổi, 9% từ 9-11 tháng, 12% từ 12-24 tháng và 17% từ 17 tuổi trở lên. Bệnh sởi xuất hiện ở 285/319 phường xã, chiếm 89%. Riêng những quận huyện giáp ranh các tỉnh và có khu công nghiệp thì số ca sởi tăng cao.
12% bệnh nhân là trẻ từ 12-24 tháng.
Riêng tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đại diện nơi đây cho biết tính đến hiện tại, BV đã điều trị cho 1.100 ca sởi nội trú, số bệnh nhân ngoại trú gấp đôi. 1/4 số ca mắc bệnh biến chứng, một số bệnh nhân biến chứng hô hấp, vài trường hợp bị viêm não do sởi. May mắn là chưa có ca nào tử vong.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết hiện số ca sởi đang có chiều hướng giảm.
Độ tuổi người lớn mắc thường là 21-30 tuổi, tiếp theo là 31-40 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do lỗ hổng tiêm ngừa ở cha mẹ mà vấn đề tầm soát bệnh trước hôn nhân cần phải được chú trọng.
Về những vấn đề trên, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng nghành y tế thành phố cần vận động người dân tự giác chích ngừa cho con.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 cho biết tình trạng anti vaccine là 1 trong những lỗ hổng khiến dịch bệnh có thể bùng phát.
Ngoài ra, trách nhiệm của phòng giáo dục là thống kê tình hình chích ngừa của trẻ ở các trường mầm non, không để sót những trẻ lớn chưa chích ngừa. Ngoài ra, còn phải kiểm tra tiêm chủng của con em, gia đình ở các nhà trọ.
Thống kê cho thấy trong năm 2018, tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 đạt 96%, trong đó có 29,5% tiêm dịch vụ. Đến mũi 2 chỉ đạt 80%.
Không chỉ trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng mắc bệnh.
Sở Y tế đã thực hiện chiến dịch bổ sung tiêm vắc-xin sởi, rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Qua điều tra số lượng trẻ cần tiêm chủng là 300.000 trẻ, trong đó có khoảng 200.000 trẻ ở trường học, còn lại ở cộng đồng.
Thực tế tỉ lệ tiêm chiến dịch chỉ đạt 53%, như vậy có khoảng 140.000 trẻ không tiêm phòng chiến dịch.
Có khoảng 140.000 trẻ không tiêm phòng chiến dịch.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh rằng sởi là bệnh dễ lây nhất trong tất cả những bệnh truyền nhiễm. Do đó phải coi 1 ca mắc sởi cũng là 1 ổ dịch và vì vậy, khâu điều tra đối tượng là vô cùng quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần phải tìm hiểu đặc điểm mắc bệnh ở từng nhóm tuổi.
Riêng về vấn đề tuyên truyền, đại diện Bộ Y tế cho rằng truyền thông về bề nổi là tương đối tốt nhưng khi nhìn nhận lại thì việc tiếp cận với đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp, các khu nhà trọ, vệ sinh môi trường kém, ý thức thấp, khó khăn về kinh tế vẫn chưa được theo sát.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho rằng ngành y tế phải đa dạng hóa các loại hình truyền tải thông tin. Ngoài ra, phải quan tâm nhiều hơn đến mạng xã hội.
"Chúng ta có thể dùng lực lượng cộng tác viên, những nhân viên y tế, người của chúng ta vào các nhóm anti vaccine để cung cấp thông tin chính thống, phản bác lại những ý kiến sai lầm" - ông Đình Anh đề xuất.
Mẹ phải chủ động tiêm chủng để ngừa bệnh cho mình, ngừa cho con.
Sau khi nghe các báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần phải tìm hiểu đặc điểm mắc bệnh ở từng nhóm tuổi, phải đặt ra câu hỏi vì sao cả người lớn, trẻ trên 16 tuổi và cả bà bầu, những người mẹ trẻ cũng mắc bệnh. Như vậy tức là họ vẫn chưa tiêm ngừa đầy đủ hoặc chưa tiêm.
Bộ trưởng nhấn mạnh lần nữa là mẹ phải chủ động tiêm chủng để ngừa bệnh cho mình, ngừa cho con.