THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:49

Bộ trưởng Y tế: Quá trình xây dựng luật phòng chống tác hại rượu bia gặp nhiều khó khăn vì xung đột lợi ích

Bộ trưởng Y tế: Quá trình xây dựng luật phòng chống tác hại rượu bia gặp nhiều khó khăn vì xung đột lợi ích - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Sáng nay, 16/10, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020) nhằm giới thiệu nội dung cơ bản của luật, chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Luật này.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, rượu bia gây nhiều tác hại nghiêm trọng, cả về sức khỏe lẫn các vấn đề xã hội. Cũng vì thế nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.

Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong quá trình xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia gặp rất nhiều khó khăn vì có tính xung đột lợi ích giữa sức khỏe và kinh tế, nhưng cuối cùng vấn đề bảo vệ lợi ích người dân vẫn được đặt lên trên hết.

Dù vậy, để luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng vì đây là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, để Luật phòng chống tác hại của rượu bia đi vào thực tế cuộc sống cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp như: hạn chế sự sẵn có của rượu bia; kiểm soát quảng cáo rượu bia và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia…

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống ở nước ta hiện lên tới 44%.

Theo DUY TIẾN/ANTĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh