THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:28

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không nhất thiết phải có cánh đồng lớn

5

Tham gia "chia lửa" với Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đối với vấn đề tập trung đất đai để phát triển nền sản xuất nông nghiệp lớn, hiện nay các mô hình tập trung về đất đai hết sức thành công trong cả nước thông qua việc dồn điền đổi thửa, thông qua hình thức các hợp tác xã liên kết, liên doanh, hình thức cho thuê, còn phần chuyển mục đích sử dụng cũng có nhưng không nhiều và đặc biệt hiện nay nhiều hộ dân đình đã nâng mức độ sử dụng đất và sử dụng liên doanh, liên kết đạt kết quả tốt.

Ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vướng mắc liên quan đến hạn mức chuyển nhượng đất trồng lúa và đất lâm nghiệp (hạn mức đất lúa là 20 ha) nhưng năng lực để đầu tư là không nhiều.

Hơn nữa, thực tiễn thế giới cũng chứng minh phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả không có nghĩa là phải cánh đồng lớn mới phát triển được.

Theo ông Hà, hiện có nhiều mô hình để tập trung đất đai như các mô hình hợp tác xã để liên doanh, liên kết giúp doanh nghiệp và người nông dân có điều kiện chuyển giao công nghệ giống, phân bón và thị trường, người nông dân vẫn sản xuất trên mảnh ruộng của mình, ly nông nhưng không ly hương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, hiện nay đã tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao nằm trong quỹ đất đang sử dụng cho đất nông nghiệp, nhưng mới có khoảng 4.710 ha đã được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao. Sắp tới sửa Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tính toán thêm quỹ đất đối với hộ gia đình và các điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp có thể tham gia vào mối quan hệ nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và doanh nhân để tạo ra giá trị cao.

Vấn đề thứ hai được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình là tình trạng suy thoái đất. "Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này đó là chúng ta đã lựa chọn mô hình canh tác không đúng, thâm canh, quảng canh, dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học. Một vấn đề khách quan khiến đất bị suy thoái là biến đổi khí hậu, khiến xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt… gia tăng", tư lệnh ngành TN&MT nói.

Đối với vấn đề này, theo ông Hà, chúng ta cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài học thành công, đó là Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguyên tắc chung là phải chung sống thân thiện với tự nhiên và theo tự nhiên, kinh phí phải phát triển dựa theo hệ sinh thái.

"Chúng ta phải chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ khâu thiết kế quy hoạch và bố trí cây trồng, vật nuôi, sản xuất tiêu dùng và xử lý môi trường phải đi với nhau thành một vòng khép kín. Bởi vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp, chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và nhấn mạnh, chúng ta cần thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh và cơ cấu kinh tế, trong đó khoa học công nghệ là yếu tố quyết định.

Vấn đề thứ ba, theo ông Hà, sử dụng đất đai hiệu quả thì ngành nông nghiệp phải đa mục tiêu và thích ứng biến đổi khí hậu, không chỉ chống đỡ mà phải tận dụng. Đất đai nông nghiệp nhưng có dịch vụ; đất đai nông nghiệp nhưng có sản xuất, chế biến; đất đai nông nghiệp nhưng có du lịch sinh thái; hay thay đổi cách thức là sử dụng từ phân bón vô cơ hữu cơ….

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đề cập cụ thể và có các nghị định để sẵn sàng triển khai những nội dung về thích ứng biến đổi khí hậu và kiểm soát ô nhiễm đất đai.

Thành Công - Quý Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh