Bộ trưởng Tô Lâm: Lực lượng công an chưa bao giờ từ chối trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ
- Tây Y
- 01:18 - 18/11/2020
Sáng nay 17/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp của Quốc hội và tại các tổ đại biểu Quốc hội, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Lực lượng này đã và đang ở trong dân
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, hiện nay chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành Công an là tăng cường cho cơ sở, thực hiện phương châm "bốn tại chỗ". Mà mọi vấn đề cần phải được giải quyết ở cơ sở nên tăng cường cho lực lượng cơ sở là hết sức cần thiết.
Trên thực tế, các lực lượng: Công an xã bán chuyên trách, dân phòng, bảo vệ dân phố đã hình thành từ lâu, có những lực lượng hình thành từ sau Cách mạng Tháng 8, hay Công an xã đã hình thành cách đây 70 năm...
"Các lực lượng này đã và đang hoạt động ở cơ sở, đã và đang ở trong dân, đã và đang làm những công việc được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, giờ chúng ta tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo cho họ yên tâm, vững tâm hơn trong công tác", nữ đại biểu phân tích.
Bà Xuân cũng cho rằng, đây là lực lượng không chuyên trách, mang tính tự nguyện ở thôn, xóm, tổ dân phó, bản làng, buôn sóc.
Nhưng qua thực tế làm ở địa phương bà thấy đây chính là lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ở cùng dân, ăn cùng dân, sinh hoạt cùng dân, bám sát dân khá tốt, là "cánh tay nối dài" của lực lượng Công an xã.
"Lực lượng Công an xã chính quy hiện được Bộ Công an triển khai đến 100% xã, tuy nhiên chỉ bố trí 5 đồng chí, quá mỏng, không thể rải hết ở các địa bàn thôn xóm, xã phường. Có lực lượng này sẽ hỗ trợ, giúp Công an xã trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, làm công tác hòa giải trong dân...", vị đại biểu tỉnh Đắk Lắk lý giải thêm.
Ngoài ra, họ có cuộc sống mưu sinh khác, thời gian dành cho công việc không nhiều, tuy nhiên rất cần thiết ở cơ sở.
Việc ban hành luật không làm phát sinh thêm lực lượng mới, không làm thay đổi nhiệm vụ của Công an chính quy vì họ chỉ tham gia hỗ trợ.
Đại biểu Xuân nhấn mạnh, việc xây dựng luật này tạo sự cân xứng trong hệ thống pháp luật, cân xứng với dân quân tự vệ, tạo cho lực lượng cơ sở yên tâm công tác.
Theo đại biểu Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội), xuất phát từ thực tế cần bố trí lại tổ chức bộ máy của lực lượng CAND để đảm bảo an ninh chính trị trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nên vừa qua Bộ Công an đã triển khai Công an chính quy về xã trên địa bàn toàn quốc.
Trong đó, tại Hà Nội đã bố trí Công an chính quy tại 383 xã với hơn 2.500 CBCS.
"Đây là số CBCS chúng tôi đưa từ thành phố và quận xuống, không tăng thêm biên chế, bước đầu phát huy hiệu quả. Qua thống kê, năm 2020 phạm pháp hình sự giảm 20,6%, đây là con số chưa bao giờ có. Trong đó chủ yếu giảm ở các huyện ngoại thành, tạo lòng tin cho nhân dân và cấp ủy chính quyền xã trong bảo đảm ANTT", Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin.
Ông cho biết, lực lượng Công an chính quy bố trí xuống xã không có sự ảnh hưởng, tác động của làng bản, dòng họ, có trình độ chuyên môn cao nên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Tuy nhiên, do việc bố trí Công an chính quy xuống xã theo nguyên tắc không bố trí CBCS là người địa phương, tức không phải người sinh ra và lớn lên ở địa phương ấy nên 100% Công an xã chính quy đến từ địa phương khác.
"Việc bố trí này bước đầu khiến họ không nắm chắc tình hình địa bàn, đặc điểm văn hóa, các đối tượng trên địa bàn... trong khi đó Công an xã bán chuyên trách do sinh ra tại địa bàn có điều kiện thuận lợi, nắm kỹ hơn các thông tin này", Thiếu tướng Đào Thanh Hải nhấn mạnh.
Điều chỉnh theo quy định của luật, sẽ giảm số người và chi phí
Làm rõ, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, có nhiều ý kiến tham gia nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật và đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện hơn nữa dự án lần này.
Báo cáo về một số ý kiến nhận thấy cần phải rõ thêm, Bộ trưởng Công an nêu, thứ nhất, chúng tôi cũng thấy rất rõ thực tế ở Việt Nam, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự như là trong khái niệm của dự thảo luật đưa ra cũng đã tồn tại ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công.
Cho đến nay, theo ông Tô Lâm, lực lượng này ngày càng phát huy và đã có những đánh giá của các đại biểu Quốc hội nói về các lực lượng đó.
Đơn cử, ông cho biết, kinh nghiệm của một số nước có lực lượng này ví dụ như: Ở Singapore thì gọi là lực lượng phòng vệ dân sự, tham gia rất nhiều các công việc như tự nguyện cấp cứu người bị thương, người bị nạn ở trên đường phố.
Đối với một số nước khác như lực lượng ở Trung Quốc cũng rất đơn giản, nhưng tôi thấy của chúng ta lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự là gọn nhất. Ở Trung Quốc ít nhất là có 2 Bộ và một số lực lượng khác, ở Nga hiện nay, theo đối tác mà chúng tôi phải quan hệ là khoảng 7 cơ quan như cơ quan an ninh, cơ quan tình báo, Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Nội vụ...
"Ở Mỹ cũng có hàng chục các cơ quan như vậy. Ở đây, cũng có đại biểu nói từ trước cách mạng, chế độ cũ cũng đã tổ chức, ví dụ ở từng thôn, từng xã có những điếm canh để cho các lực lượng này hoạt động", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Từ đó, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, chủ trương của chúng ta hiện nay là giao rất nhiều các công việc và thực hiện nhiệm vụ 4 tại chỗ, thì đây chính là một trong lực lượng rất quan trọng để thực hiện 4 tại chỗ theo các quy định và phân cấp.
"Đối với lực lượng công an chúng tôi, xin báo cáo Quốc hội, chưa bao giờ và cũng chưa từng từ chối hoặc đổ trách nhiệm, thoái thác trách nhiệm cho lực lượng khác trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội", ông nói và khẳng định: "Chúng tôi không có ý xây dựng ra lực lượng này để rồi thoái thác nhiệm vụ, phân cấp cho các lực lượng này làm để lực lượng công an trốn tránh, từ chối trách nhiệm của mình".
"Chúng tôi không có ý đó", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh thêm.
Theo Bộ trưởng, dự thảo luật này điều chỉnh chính với 3 lực lượng trên thực tế đang tồn tại trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử, có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Đối với lực lượng quần chúng tự quản, tự nguyện khác mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến toàn quốc hay nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức hoạt động của lực lượng này thì Chính phủ thấy rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện, cả về quy định cũng như thực tiễn để có đủ cơ sở quy định trong luật.
"Chúng tôi đưa vào luật lực lượng đã tồn tại, xác định nhiệm vụ pháp lý và quy định trong luật bởi nhiều hoạt động của lực lượng này động chạm đến quyền tự do dân chủ, quyền công dân, quyền con người theo quy định của Hiến pháp. Khi luật này ra đời không hạn chế trách nhiệm tổ chức, cá nhân các lực lượng khác tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Khi luật này nếu được ra đời, theo ông Tô Lâm: "Chúng tôi thấy không hạn chế trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác tham gia trong phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, không có một điều nào để hạn chế luật này".
Về vấn đề tăng chi phí mà đại biểu băn khoăn, Bộ trưởng cho hay, việc thống kê số liệu ở đây là theo quy định.
"Ví dụ lực lượng dân phòng nếu chúng ta bố trí mỗi thôn, xóm phải có một đội 10 người thì con số rất lớn, khoảng 2 triệu người. Còn nếu điều chỉnh theo quy định của luật thì sẽ giảm, khoảng 500 người. Thực tế lực lượng dân phòng hiện nay chỉ chiếm khoảng 20%, do điều kiện này điều kiện khác chưa hình thành được. Tổng hợp lại, nếu so với luật quy định thì số người sẽ giảm hơn", Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.