Bộ trưởng Tô Lâm: Không có chuyện “người dân sử dụng thẻ căn cước sẽ bị theo dõi”
- Tây Y
- 19:02 - 10/06/2023
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước (sửa đổi) ngày 10/6, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, căn cước sẽ tích hợp kết nối về bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, sản xuất văn bằng chứng chỉ, in thẻ bảo hiểm y tế, sao y, chứng thực công chứng… Điều này, mang lại lợi ích rất lớn.
Không ai có quyền giữ thẻ căn cước của dân
Trực tiếp cầm một thẻ căn cước trên tay để giới thiệu với các đại biểu về lợi ích của thẻ căn cước được tích hợp, theo bộ trưởng, việc in mã số trên căn cước để sau này có thể được sử dụng khi đi máy bay trong nước và quốc tế.
Người dân sau này sẽ không cần sử dụng hộ chiếu, chỉ cần thị thực, quẹt thẻ căn cước là có thể di chuyển. Thêm nữa, thẻ căn cước mà Việt Nam sử dụng là một trong số ít các nước có tích hợp QR với nhiều thông tin.
Bộ Công an cũng tính toán đưa công nghệ sinh học vào quản lý, tránh trường hợp những người phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi nhận dạng hoặc không có dấu vân tay, ông Tô Lâm cho hay.
Khẳng định mã số định danh trên thẻ được cấp là vĩnh viễn, bộ trưởng cho biết, thẻ mới sẽ được Nhà nước cấp miễn phí, nhưng với thẻ cấp lại, cấp đổi, người dân sẽ phải mất chi phí để nâng cao trách nhiệm bảo quản, giữ gìn.
Ông cũng nhấn mạnh, không cơ quan, đơn vị nào có quyền giữ thẻ căn cước của người dân. Trường hợp cần thiết, người dân có thể cung cấp thông tin thẻ, gồm họ tên, mã số định danh... “Đó là vật bất ly thân, không ai có quyền giữ căn cước này, chỉ giữ khi vi phạm pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ có quy định cụ thể việc này.
Những đứa trẻ không hộ khẩu, không giấy tờ, lớn lên đi đánh giày như cha mẹ
Đáng chú ý, Đại tướng Tô Lâm cho biết, qua quá trình làm căn cước công dân cho người dân, lực lượng công an phát hiện có cả triệu người dân không có bất cứ thứ giấy tờ nào, họ đa phần thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội.
Người đứng đầu ngành công an cho rằng "đây là thực trạng đáng buồn". Khi mà cả trong thống kê dân số, những người nói trên cũng không có tên vì họ không có giấy tờ gì, không có căn cước, không hộ khẩu. "Từ trước đến giờ chúng ta nói hệ thống quản trị rất chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, nhưng vẫn bỏ lọt hàng triệu người", Bộ trưởng Công an nói.
Ở vùng sâu, vùng xa, từ thực tế tiếp cận của lực lượng công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết có những người chưa bao giờ đi ra khỏi nhà mình, chưa bao giờ đi ra khỏi làng, bản. Họ chủ yếu là người yếu thế, người già không nơi nương tựa, người ốm đau bệnh tật kéo dài, người tàn tật.
Những người này chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà của họ, không có nhu cầu kết nối xã hội, chưa từng đi đâu, chưa từng được chụp ảnh. "Có những trường hợp rất xúc động, những cụ già đến chụp ảnh làm căn cước công dân, các cụ nói tôi 70 tuổi rồi, chưa bao giờ được chụp một cái ảnh", ông Lâm kể lại.
Thực tế ở vùng sâu, vùng xa là như vậy, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công an, ngay ở những thành phố lớn, sôi động như Hà Nội, TP.HCM cũng có hàng trăm ngàn người chưa có các loại giấy tờ tùy thân. "Họ là ai?", ông Tô Lâm nêu câu hỏi và chỉ ra, đó là những người từ nhiều vùng đất nước đến thành phố để kiếm sống từ nhiều năm nay.
"Từ cậu bé đi đánh giày ra thành phố, lớn lên ở những góc phố Hà Nội đến những người bán hàng rong, đi làm mướn. Cuộc sống của họ chỉ kiếm ăn qua ngày, ngủ ở nhà trọ, gầm cầu hoặc bất cứ chỗ nào có thể đặt lưng. Họ cũng có thể là những người lao động từ quê ra thành phố lập gia đình, sinh con đẻ cái", ông lắng giọng.
"Các cháu sinh ra vẫn theo số phận bố mẹ, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không được đi học. Cứ như vậy, khi lớn lên lại tiếp tục đánh giày, lại đi vào cuộc sống khó khăn như bố mẹ đã từng", Bộ trưởng Bộ Công an nêu thực tế xót xa và nhấn mạnh, phải tạo điều kiện, đưa họ vào diện quản lý.
Theo Đại tướng Tô Lâm, qua công tác quản lý dân cư, triển khai cấp thẻ căn cước và hiện đại hóa việc quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư nên đã phát hiện ra những bất cập nêu trên, những khó khăn của người dân, đặc biệt những bất cập này bộc lộ rõ nhất sau đại dịch Covid-19. "Đó là ý nghĩa, mục tiêu bảo vệ nhân dân".
Với việc quản lý tận gốc, người dân có địa vị pháp lý, danh tính rõ ràng, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết hiện xử lý các thủ tục hành chính trên môi trường mạng đang giúp các giao dịch của người dân, doanh nghiệp ngày càng thuận lợi hơn, tiết kiệm số tiền rất lớn cho công tác quản lý nhà nước.
Dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ nghiêm ngặt
Trước những lo ngại của đại biểu về an toàn, an ninh thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng Công an thông tin, mỗi ngày có hàng nghìn cuộc tấn công, xâm nhập vào hệ thống, những vẫn không vượt được qua hệ thống bảo vệ. Ngay trong nội bộ cơ quan vận hành cũng được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Mọi giao dịch của người dân và quyền bảo vệ dữ liệu, bí mật cá nhân sẽ được bảo vệ, ông Tô Lâm khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng công an phấn đấu trước ngày 30/7/2023, mọi người dân theo đúng độ tuổi quy định đều được cấp thẻ căn cước công dân. "Đã có 19/63 tỉnh hoàn thành cấp căn cước đạt tỷ lệ 100%. Dù quá trình thực hiện không tránh khỏi sai sót, nhưng hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật thường xuyên, đảm bảo tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống", Bộ trưởng cũng chia sẻ, việc có trung tâm dữ liệu sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.
“Trước đây cơ quan Nhà nước có một cửa tiếp dân đã thuận lợi rồi, bây giờ không có cửa nào nữa, tất cả làm việc trên môi trường điện tử. Khi người dân có địa vị pháp lý, danh tính rõ ràng thì giao dịch vô cùng thuận lợi. Ngồi ở nhà vẫn làm được các thủ tục hành chính, vẫn làm việc được với cơ quan Nhà nước”, ông Lâm nói.
Nêu thêm lý do của việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, để đảm bảo tính “chính xác và bao hàm hơn”. Bởi, thẻ căn cước không phải là giấy chứng nhận công dân.
“Có những người bị tước 1 số quyền công dân (trong trại giam, chịu án tù) nhưng vẫn phải có căn cước vì họ vẫn có quyền sở hữu tài sản, đăng ký chủ nhà, chủ đất, chủ xe ô tô... Không ai có thể tước những quyền này được", bộ trưởng lý giải. Vì vậy, cách gọi là căn cước công dân sẽ không chính xác.