'Bán” và chuyển nhượng một phần một số cảng hàng không
- Tây Y
- 16:29 - 28/02/2015
Hàng không quá hấp dẫn đầu tư
Mở đầu buổi làm việc của Bộ GTVT về huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không ngày 25/2, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, tiềm năng hút vốn đầu tư vào hàng không là vô cùng lớn. Không có công trình nào là không thể xã hội hóa được. Vấn đề chỉ là bàn xem làm cách nào, cần thể chế chính sách gì để tiếp tục kêu gọi mạnh mẽ hơn đầu tư cho hàng không. Bộ trưởng cho biết: “Chỉ số hành khách đi lại bằng đường hàng không trên dân số của nước ta hiện nay mới là 1/3, trong khi đó của Mỹ là ba lần, Singapore 10 lần. Điều này có nghĩa dư địa để phát triển hàng không còn rất nhiều. Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư phát triển hàng không”.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, căn cứ để thực hiện xã hội hóa là phải theo Hiến pháp 2013: Nhà nước khuyến khích tất cả những doanh nghiệp, tư nhân đầu tư sản xuất những gì Nhà nước không cấm; căn cứ theo Luật Hàng không sửa đổi vì được Quốc hội thông qua và căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết XIII.
Mục tiêu của xã hội hóa đầu tư vào hàng không là xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Chúng ta không thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy bay hiện đại như A380, Boeing 787-9 mà lại không có các CHK đủ khả năng tiếp nhận. Chúng ta không thể xây dựng được những hãng hàng không tiêu chuẩn bốn sao trong khi cơ sở hạ tầng lại chỉ hai sao, ba sao.
Tìm vốn cho CHK Long Thành không khó
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: “Năm nay, ACV phải bán được CHK Phú Quốc, để tập trung vốn làm công trình “để đời” là CHK quốc tế Long Thành, cùng đó là một số CHK khác ở khu vực phía Bắc như Lai Châu. Rõ ràng mật độ sân bay phía Bắc mỏng hơn nhiều so với phía Nam, nhất là ở Tây Bắc”, Bộ trưởng chỉ đạo và yêu cầu tiếp tục tập trung mở rộng CHK Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ nguồn xã hội hóa. Nhà nước chỉ làm những gì gắn với an ninh quốc phòng, thúc đẩy KT-XH mà tư nhân không đầu tư. Những gì xã hội hóa được, dứt khoát phải kêu gọi đầu tư. Nếu chúng ta thay đổi tư duy, suy nghĩ theo hướng này thì làm CHK Long Thành không khó. CHK Long Thành lớn thật nhưng nếu đầu tư phân kỳ hợp lý, cơ chế hợp lý thì hoàn toàn có thể triển khai được”.
Nhượng quyền khai thác sảnh E nhà ga T1 Nội Bài cho Vietjet
Cũng tại buổi làm việc của Bộ GTVT về huy động vốn xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đồng ý nhượng quyền khai thác sảnh E nhà ga T1 Nội Bài cho Công ty cổ phần Hàng không Vietjet.
Trước đó, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Nguyễn Thanh Hùng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được Bộ nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga hành khách T1 tại CHK quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm. Đề xuất này của Vietjet được nêu ra trong bối cảnh nhà ga T2 vừa được đưa vào khai thác và toàn bộ nhà ga T1 đã được chuyển thành khu vực phục vụ khách bay nội địa.
“Trong chiến lược phát triển của mình, Vietjet luôn mong muốn có được những cơ sở hạ tầng vững chắc tại các cảng hàng không, sân bay để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bền vững của hãng” - ông Hùng cho biết.