THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:26

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ đăng đàn 3 vấn đề nóng

 

3 nhóm vấn đề các ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Bạo hành trẻ chủ yếu ở trường tư
Đề cập đến công tác quản lý giáo dục mầm non, Bộ trưởng GD-ĐT nhìn nhận tại một vài cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ, một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử đối với trẻ chưa chuẩn mực, cá biệt có một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
“Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm lớp độc lập tư thục), làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ và gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội”,  Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là quản lý các nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục ở một số địa phương thiếu thường xuyên, chưa hiệu quả. 
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng nêu rõ, ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, Bộ nhấn mạnh đến việc tổ chức rà soát, điều chỉnh chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non…Việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, số trường hợp phát hiện, xử lý vi phạm các quy định không nhiều....
“Đặc biệt có giải pháp hiệu quả trong giám sát, phát hiện hành vi bạo hành trẻ những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm”, Bộ trưởng nói.
“Dạy người” còn xem nhẹ
Liên quan đến nhóm vấn đề về giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận thời gian qua vẫn còn một bộ phận HSSV có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất, đạo đức, lối sống như: thiếu trung thực, trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường; vô lễ với cha mẹ, xúc phạm thầy, cô giáo và người lớn tuổi...
Đặc biệt, gần đây đã xảy ra một số hiện tượng làm cho xã hội lo ngại như tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, đánh nhau; vi phạm luật giao thông, ứng xử thiếu văn hóa; học sinh mất phương hướng, kỹ năng sống hạn chế dẫn đến tự tử do sức ép thành tích học tập từ gia đình.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, đã xảy ra tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội.
Theo phân tích người đứng đầu ngành Giáo dục, tình trạng này có sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự phát triển của khoa học công nghệ làm cho HSSV có nhiều cơ hội sử dụng và khai thác internet, mạng xã hội, trong đó có tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ về văn hoá phẩm độc hại; nhiều bậc phụ huynh phó thác con em cho nhà trường.
Ngoài ra, chương trình đào tạo giáo viên, trong đó nội dung về đào tạo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên chưa thực sự được chú trọng; còn quản lý, áp đặt học sinh theo phương pháp “quyền uy”; thời lượng dành cho các môn “dạy người” còn khiêm tốn, xem nhẹ….
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó bộ đề xuất Chính phủ, QH xem xét xây dựng luật Nhà giáo để quy định cụ thể điều chỉnh các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo cũng như các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo; các cơ quan chức năng cần bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà giáo theo quy định pháp luật.

 

Đình chỉ hàng loạt lớp mầm non vi phạm
Bình Thuận đình chỉ hoạt động 2 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện xử phạt hành chính 18 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, đình chỉ hoạt động 4 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, buộc đóng cửa 1 nhóm trẻ.
Hà Nội đã kiểm tra giải thể 2 trường ngoài công lập và 32 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; đình chỉ 30 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, chấn chỉnh 21 trường ngoài công lập và 53 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Hải Phòng có 21 cơ sở bị xử phạt hành chính tổng tiền trên 100 triệu đồng.
Lâm Đồng đề nghị không cấp phép cho 40 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không đảm bảo điều kiện.
Quảng Ninh phát hiện và xử lý trên 50 cơ sở vi phạm quy định, trong đó có 1 trường mầm non và 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục bị đình chỉ hoạt động…
(Báo cáo của Bộ GD-ĐT)

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh